Tìm kiếm tin tức
danh mục
bottom

Hồ sơ sức khỏe điện tử

Biến chứng bệnh tay-chân-miệng
Ngày cập nhật 10/05/2016
Bệnh tay-chân-miệng ở trẻ em có thể gây nên biến chứng nặng (ảnh minh họa)

Bệnh tay-chân-miệng gặp rải rác quanh năm ở hầu hết các địa phương. Tại phía Nam, hàng năm bệnh có xu hướng tăng cao vào hai thời điểm từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12. Mọi đối tượng đều có thể bị nhiễm bệnh nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm dưới 3 tuổi. Các điều kiện sinh hoạt tập thể như trẻ đi học tại nhà trẻ, mẫu giáo; đến các nơi vui chơi tập trung rất dễ có nguy cơ lây nhiễm bệnh, nhất là trong các đợt bệnh bùng phát. Cần biết các biến chứng bệnh để theo dõi, cảnh giác và xử trí can thiệp phù hợp.

Khi trẻ bị mắc bệnh tay-chân-miệng, nếu không được phát hiện, chẩn đoán sớm và xử trí điều trị kịp thời thì sẽ có nguy cơ dẫn đến các biến chứng trầm trọng về thần kinh, tim mạch và hô hấp; ảnh hưởng tình trạng sức khỏe và có thể đe dọa tính mạng của trẻ.

Biến chứng thần kinh

Thường gặp là viêm não, viêm thân não, viêm não tủy, viêm màng não được biểu hiện với các triệu chứng như: Rung giật cơ còn gọi là tình trạng giật mình chới với, cơn xảy ra ngắn khoảng 1-2 giây, chủ yếu là ở tay và chân, dễ xuất hiện khi trẻ bắt đầu giấc ngủ hay khi cho trẻ nằm ngữa. Trẻ có hiện tượng ngủ gà, bứt rứt, chới với, đi loạng choạng, run chi, mắt nhìn ngược; bị rung giật nhãn cầu; yếu và liệt chi loại liệt mềm cấp tính; liệt dây thần kinh sọ não. Co giật, hôn mê là dấu hiệu bệnh nặng, thường đi kèm với  biến chứng suy hô hấp và tuần hoàn; có biểu hiện tăng trương lực cơ với triệu chứng duỗi cứng mất não, gồng cứng mất vỏ.

Biến chứng tim mạch và hô hấp

Thường gặp là viêm cơ tim, phù phổi cấp, tăng huyết áp, suy tim, trụy mạch được biểu hiện với các triệu chứng như: Mạch nhanh trên 150 lần mỗi phút, thời gian máu đổ đầy mao mạch chậm trên 2 giây, da nổi vân tím, vã mồ hôi, chi lạnh. Các dấu hiệu rối loạn vận mạch có thể chỉ khu trú ở một vùng của cơ thể như tại một tay, một chân... Giai đoạn đầu có huyết áp tăng với huyết áp tâm thu của trẻ dưới 1 tuổi là 100 mmHg, trẻ 1 đến 2 tuổi từ 110 mmHg trở lên, trẻ trên 2 tuổi từ 115 mmHg trở lên; qua giai đoạn sau mạch và huyết áp không đo được. Khó thở với dấu hiệu thở nhanh, rút lõm lồng ngực, khò khè, thở rít kỳ hít vào, thở nông, thở bụng, thở không đều. Bị phù phổi cấp với dấu hiệu sùi bọt màu hồng, khó thở, tím tái, phổi có nhiều ran ẩm, đặt nội khí quản thấy có máu hay bọt màu hồng.

Biến chứng nặng khi bệnh ở mức độ 3 và 4  

Trong phân độ lâm sàng, nếu trẻ bị mắc bệnh tay-chân-miệng có biểu hiện triệu chứng ở mức độ 3 và mức độ 4 được xem như đã rơi vào tình trạng biến chứng nặng cần phải theo dõi, cảnh giác. Mức độ 3 có các biểu hiện như: mạch nhanh trên 170 lần mỗi phút khi trẻ nằm yên và không bị sốt, một số trường hợp có thể gặp mạch chậm phản ánh dấu hiệu rất nặng; vã nhiều mồ hôi, lạnh toàn thân hoặc khu trú; huyết áp tâm thu tăng trên 100 mmHg ở trẻ dưới 12 tháng tuổi, tăng trên 110 mmHg ở trẻ từ 12 tháng tuổi đến dưới 24 tháng tuổi, tăng trên 115 mmHg ở trẻ trên 24 tháng tuổi; trẻ thở nhanh và thở bất thường với cơn ngưng thở, thở bụng, thở nông, rút lõm lồng ngực, khò khè, thở rít kỳ hít vào; rối loạn tri giác, tăng trương lực cơ. Mức độ 4 có các biểu hiện như: sốc, phù phổi cấp tính, tím tái, nồng độ khí oxy trong máu SpO2 dưới 92%, ngưng thở, thở nấc...

Phân tuyến điều trị để ngừa biến chứng

Như trên đã nêu, nếu bệnh tay-chân-miệng không được phát hiện, chẩn đoán sớm và xử trí điều trị kịp thời thì nguy cơ dẫn đến các biến chứng nặng là điều không thể tránh khỏi, trẻ có thể bị tử vong. Vì vậy cần lưu ý đến việc phân tuyến điều trị theo quy định của Bộ Y tế để chủ động ngăn ngừa các biến chứng có khả năng xảy ra.

Trạm y tế xã, phường, thị trấn và phòng khám bệnh tư nhân chỉ được điều trị bệnh tay-chân-miệng ở mức độ 1 với triệu chứng loét miệng và tổn thương da hoặc tổn thương da. Phải chuyển lên tuyến trên các trường hợp bệnh ở mức độ 2a với dấu hiệu bệnh sử trẻ có giật mình dưới 2 lần trong 30 phút và không ghi nhận lúc khám; sốt trên 2 ngày hoặc sốt trên 39oC, nôn, lừ đừ, khó ngủ, quấy khóc vô cớ; trẻ mắc bệnh dưới 12 tháng tuổi hoặc có bệnh phối hợp kèm theo.

Bệnh viện huyện, thị xã, thành phố và bệnh viện tư nhân chỉ được điều trị bệnh ở mức độ 1 và mức độ 2a. Phải chuyển lên tuyến trên các trường hợp bệnh ở mức độ 2b trở lên với các dấu hiệu thuộc nhóm 1 và nhóm 2. Nhóm 1 có triệu chứng giật mình lúc khám bệnh, bệnh sử có giật mình từ 2 lần trong 30 phút trở lên; bệnh sử có giật mình kèm theo dấu hiệu ngủ gà, mạch nhanh trên 130 lần mỗi phút khi trẻ nằm yên và không sốt. Nhóm 2 có triệu chứng sốt cao từ 39,5oC trở lên đo ở hậu môn, không đáp ứng với thuốc hạ sốt; mạch nhanh trên 150 lần mỗi phút khi trẻ nằm yên và không sốt; thất điều như run chi, run người, ngồi không vững, đi loạng choạng; rung giật nhãn cầu, lác mắt; yếu chi hoặc liệt chi; bị liệt dây thần kinh sọ não như nuốt sặc, thay đổi giọng nói. Ngoài ra các trường hợp bệnh ở mức độ 2a có bệnh phối hợp kèm theo cũng phải được chuyển lên tuyến trên.

Bệnh viện đa khoa, đa khoa khu vực, chuyên khoa nhi tuyến tỉnh được điều trị bệnh ở tất cả các mức độ bệnh nhưng phải chuyển lên tuyến trên các trường hợp bệnh ở mức độ 3 và mức độ 4 như đã nêu ở trên khi không có đủ điều kiện hồi sức cấp cứu nhi khoa.

Bệnh viện chuyên khoa nhi, truyền nhiễm; các bệnh viện tuyến cuối khu vực được điều trị tất cả các mức độ bệnh với đầy đủ phương tiện hồi sức cấp cứu để xử lý tốt các biến chứng xảy ra.

Lưu ý những trường hợp bệnh tay-chân-miệng có biến chứng nặng ở mức độ 3 và mức độ 4 chỉ cho trẻ xuất viện khi có được tình trạng ổn định về mặt lâm sàng cũng như khắc phục được các biến chứng và di chứng. Các trường hợp bệnh được điều trị nội trú khác có thể cho xuất viện khi trẻ có đủ 4 điều kiện như: không sốt ít nhất 24 giờ liên tục khi không sử dụng thuốc hạ sốt; không còn các biểu hiện lâm sàng phân độ nặng từ mức độ 2a trở lên ít nhất trong 48 giờ; có điều kiện theo dõi tại nhà và tái khám ngay khi có diễn biến nặng nếu chưa đến ngày thứ 8 của bệnh tính từ lúc bệnh khởi phát; các di chứng nếu có đã ổn định, không cần hỗ trợ hô hấp, ăn uống được qua đường miệng.

Lời khuyên của thầy thuốc

Phòng ngừa biến chứng bệnh tay-chân-miệng cho trẻ em tốt nhất là thực hiện các biện pháp phòng bệnh có hiệu quả. Hiện nay bệnh chưa có vắc-xin phòng bệnh đặc hiệu nên chỉ áp dụng các biện pháp phòng ngừa chuẩn và phòng ngừa đối với bệnh lây nhiễm qua đường tiêu hóa, đặc biệt chú ý điều kiện tiếp xúc với nguồn lây. Các cơ sở y tế phải thực hiện nghiêm túc việc cách ly theo nhóm bệnh; nhân viên y tế cần mang khẩu trang, rửa tay, sát khuẩn tay trước và sau khi chăm sóc bệnh; khử khuẩn bề mặt, giường bệnh, phòng bệnh bằng chloramin B 2%, lưu ý khử khuẩn ghế ngồi của người bệnh và người nhà bệnh nhân tại khu khám bệnh; xử lý chất thải, quần áo, khăn trải giường của người bệnh và dụng cụ chăm sóc được sử dụng lại theo quy trình phòng bệnh lây nhiễm qua đường tiêu hóa. Đối với cộng đồng, cần vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng nhất là sau khi thay quần áo, tã lót; sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt; rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà; lau sàn nhà bằng dung dịch khử khuẩn chloramin B 2% hoặc các dung dịch khử khuẩn khác; cách ly trẻ bị mắc bệnh tại nhà, không để trẻ đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ vui chơi tập trung trong từ 10 đến 14 ngày đầu của bệnh.

 

                                                                TTƯT.BS. NGUYỄN VÕ HINH     

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Bạn đánh giá website của bệnh viện chúng tôi như thế nào?
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.980.660
Truy cập hiện tại 186
Thời tiết
Chung nhan Tin Nhiem Mang