Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm trên toàn cầu có khoảng hàng trăm triệu trẻ em dưới 5 tuổi mắc bệnh tiêu chảy và mỗi trẻ em có thể mắc bệnh tiêu chảy từ 5 đến 15 lần trong một năm; trong đó có hàng triệu trẻ em bị tử vong vì căn bệnh này. Ở nước ta theo các nhà khoa học, số trẻ em bị mắc bệnh tiêu chảy chiếm khoảng 22 đến 25% số bệnh nhân được điều trị tại các bệnh viện; đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em bị suy dinh dưỡng cần được quan tâm. Chính vì lý do này nên hiện nay hầu hết các quốc gia trên thế giới kể cả nước ta đều có chương trình quốc gia phòng chống bệnh tiêu chảy trẻ em được triển khai thực hiện.
Nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy
Đối với trẻ em, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi thường mắc bệnh tiêu chảy do ăn phải thức ăn, uống phải nước uống bị nhiễm vi khuẩn, vi-rút. Trẻ cũng có thể mắc bệnh tiêu chảy trực tiếp do tiếp xúc với nguồn phân thải của người bị mắc bệnh. Thực tế nguồn bệnh tiềm ẩn từ những nguyên nhân khác nhau do những thói quen, tập quán của người lớn làm tăng nguy cơ mắc bệnh cho trẻ như không rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, ăn rau sống xử lý không sạch, uống nước lã chứa nhiều vi khuẩn, vi-rút gây bệnh... Ngoài ra còn có một số yếu tố khác như trẻ không được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ hoặc bị mắc một số bệnh như sởi, suy dinh dưỡng... Các nhà khoa học đã tìm ra nhiều tác nhân gây bệnh tiêu chảy khi tiến hành xét nghiệm mẫu bệnh phẩm phân của người bệnh. Các tác nhân vi khuẩn, vi-rút gây bệnh thường gặp là Rotavirus, Escherichia coli, Shigella, Vibrio cholerae; Salmonella, Campylobacter jejuni, Yersinia enterocolitica; ngoài ra các loại ký sinh trùng như Lamblia giardia, Entamoeba histolytica... cũng có thể gây nên bệnh tiêu chảy.
Tác nhân gây bệnh tiêu chảy thực hiện theo cơ chế bệnh lý là các vi khuẩn, vi-rút, ký sinh trùng bám dính lên tế bào thành ruột, có thể tiết ra độc tố. Các độc tố gây rối loạn chức năng tế bào biểu mô ruột, làm giảm hấp thụ chất natri và làm tăng xuất tiết chất clo; do đó nước và chất điện giải bị xuất tiết vào trong ruột nhiều hơn bình thường. Một số loại vi khuẩn khác có thể gây tổn thương biểu mô thành ruột. Các loại vi-rút cư trú ở khoảng giữa các nhung mao biểu mô ruột non có khả năng hủy hoại tế bào biểu mô và làm cụt đi các nhung mao. Việc trao đổi nước và các chất điện giải tại ruột ở trẻ em bình thường và trẻ em bị mắc bệnh tiêu chảy rất khác nhau.
Bệnh cảnh lâm sàng của tiêu chảy
Bệnh cảnh lâm sàng của tiêu chảy thay đổi tùy theo mức độ nặng nhẹ với biểu hiện của hội chứng tiêu hóa và triệu chứng sốt. Hội chứng tiêu hóa thường gặp là đi tiêu chảy nhiều lần trong ngày có khi tới 10 đến 15 lần, phân lỏng, có nhiều nước. Phân có mùi chua hoặc khó ngửi, có nhiều chất mũi nhầy hoặc có máu. Bị mất nước và các chất điện giải, triệu chứng nôn ít hoặc nôn nhiều đều có thể làm tăng nguy cơ mất nước và các chất điện giải. Cần lưu ý triệu chứng mất nước là hậu quả của tiêu chảy và là nguyên nhân chính dẫn đến tử vong. Vì vậy cần đánh giá mức độ mất nước thật sớm để xử trí kịp thời và phù hợp. Nước trong cơ thể mất dưới 5% so với trọng lượng cơ thể là mất nước nhẹ, mất từ 5 đến 9% là mất nước vừa và mất trên 10% là mất nước nặng. Trẻ em bị tiêu chảy cấp tính có thể mất từ 50 đến 100 gam, thậm chí từ 300 đến 500 gam nước trong một ngày. Nếu bị mất nước nhẹ, trẻ thường có triệu chứng quấy khóc, vật vã. Nếu bị mất nước vừa, trẻ có biểu hiện tình trạng khát nước nhiều, giảm khối lượng nước tiểu; quấy khóc hoặc lờ đờ, mắt trũng, khóc không có nước mắt, miệng khô, thở sâu và nhanh hơn bình thường; da mất tính đàn hồi, mạch nhanh nhỏ, huyết áp hạ. Nếu bị mất nước nặng, trẻ có biểu hiện khát nước nhiều, nước tiểu ít; rơi vào tình trạng lờ đờ, chân tay lạnh, mắt trũng, không có nước mắt khi khóc, miệng và môi khô nhiều, thở sâu và nhanh; da mất tính đàn hồi phải trên 2 giây, sờ môi thấy bình thường, thóp lõm, mạch nhanh nhỏ hoặc không bắt được, huyết áp tụt. Triệu chứng sốt cũng thay đổi tùy theo từng trường hợp, có một số trường hợp trẻ bị tiêu chảy không sốt nhưng nếu tiêu chảy do nhiễm vi khuẩn hoặc vi-rút trẻ thường bị sốt. Các xét nghiệm cận lâm sàng sẽ giúp bác sĩ tìm được nguyên nhân bằng phương pháp cấy phân, soi phân tươi, đo độ pH của phân hoặc xét nghiệm để đánh giá rối loạn nước và chất điện giải bằng điện giải đồ, khối hồng cầu hematocrit, công thức bạch cầu...; khối hồng cầu hematocrit tăng khi có hiện tượng đặc máu, bạch cầu tăng khi có nhiễm khuẩn.
Xử trí điều trị
Việc xử trí điều trị chống tình trạng mất nước và chất điện giải khá quan trọng vì thực tế có khoảng 80% các trường hợp trẻ em mắc tiêu chảy bị tử vong do bệnh lý này. Điều trị mất nước và chất điện giải nhằm mục đích bù nước và chất điện giải do bệnh gây ra gọi là điều trị phục hồi, cung cấp nước và chất điện giải cho cơ thể trong khi được điều trị gọi là điều trị duy trì và cung cấp nước và chất điện giải cho cơ thể trong điều kiện sinh lý bình thường. Trong điều trị, có thể đưa nước và chất điện giải vào cơ thể bằng cách uống, tiêm truyền qua đường tĩnh mạch, dùng ống thông mũi - dạ dày. Dung dịch dùng để uống được pha từ gói bột ORS gọi là dung dịch oresol. Một gói bột ORS thường có: clorua natri 3,5g; bicarbonat natri 2,5g; clorua kali 1,5g; glucose 20g được pha với 1 lít nước để sử dụng; hiện nay gói bột ORS được sản xuất dưới nhiều dạng khác nhau, vì vậy nên đọc kỹ cách pha chế ghi trên bao bì trước khi dùng. Nếu không có sẵn gói ORS để pha dung dịch oresol, có thể dùng dung dịch gồm 1 thìa cà phê muối (3,5g), 8 thìa cà phê đường (40g) pha với 1 lít nước hoặc dùng bột gạo nấu thành nước cháo với 5 thìa canh bột gạo (50g), 1 thìa cà phê muối (3,5g) và 1 lít nước đun sôi từ 2 đến 5 phút; để có chất kali có thể cho thêm vào nước cháo vài thìa nước quả. Dung dịch dùng để tiêm truyền qua đường tĩnh mạch thường được sử dụng là loại huyết thanh NaCl 0,9%, huyết thanh glucose 5%, lactat hoặc acetat Ringer, dung dịch Darrow; các loại dịch truyền tĩnh mạch được chỉ định theo quy định của bác sĩ điều trị tùy từng trường hợp.
Sau khi đánh giá tình trạng mất nước, tùy theo mức độ để bù nước và chất điện giải cho phù hợp. Trong trường hợp mất nước nhẹ, cho uống dung dịch oresol với liều lượng 50 ml/kg cân nặng trong 4 giờ; nếu mất nước vừa cho uống 100 ml/kg cân nặng trong 4 giờ. Khi trẻ bị nôn nhiều, vẫn cứ cho uống nhưng uống từng thìa. Trường hợp trẻ hôn mê không uống được, cần tiêm truyền tĩnh mạch dung dịch lactat Ringer với liều lượng 30 ml/kg cân nặng trong 1 giờ; sau đó đánh giá tình trạng mất nước và tiêm truyền tĩnh mạch dung dịch này với liều lượng 70 ml/kg cân nặng trong 5 giờ; đối với trẻ trên 1 tuổi có thể tiêm truyền nhanh hơn. Tiếp tục đánh giá lại các triệu chứng mất nước, nếu trẻ có chuyển biến đỡ hơn cho uống dung dịch oresol với liều lượng 20 ml/kg cân nặng mỗi giờ. Nếu không có dung dịch lactat Ringer, có thể dùng dung dịch acetat Ringer hoặc dung dịch muối đẳng trương NaCl 0,9%. Trường hợp không tiêm truyền được, có thể bù nước qua ống thông mũi - dạ dày với liều lượng 20 ml/kg cân nặng trong mỗi giờ, tổng số là 120 ml/kg cân nặng.
Ngoài điều trị bù nước và chất điện giải, việc dinh dưỡng của trẻ cũng cần được lưu ý. Khi mắc bệnh tiêu chảy, trẻ thường bị thiếu chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể vì tình trạng tiêu chảy, nôn, biếng ăn; vì vậy chế độ kiêng khem đối với trẻ là không hợp lý. Thực tế ngay trong thời kỳ cấp tính của bệnh tiêu chảy, ruột vẫn giữ được chức năng hấp thu các chất dinh dưỡng. Vì vậy ngay sau khi hồi phục nước và chất điện giải, cần cho trẻ bú sớm và không được bắt trẻ phải nhịn ăn. Đối với những trẻ được nuôi dưỡng bằng sữa bò, sau khi đã bù nước và chất điện giải nên cho trẻ bú sữa pha loãng hơn lúc trẻ chưa mắc bệnh hoặc có thể cho bú sữa pha ORS với tỷ lệ 1/3 sữa và 2/3 bột ORS. Dần dần sau đó cho ăn theo chế độ bình thường. Khi trẻ đã khỏi bệnh tiêu chảy, mỗi ngày nên cho ăn thêm một bữa và ăn trong một tuần để nhanh lấy lại sức. Lưu ý tránh cho trẻ ăn nước cháo kéo dài hoặc kiêng khem không cho ăn các thức ăn có chất dinh dưỡng cao vì trong điều trị bệnh tiêu chảy không nên để cho trẻ bị thiếu hụt những chất dinh dưỡng cần thiết.
Việc sử dụng kháng sinh và một số loại thuốc khác được bác sĩ chỉ định thực hiện trong các trường hợp bệnh tiêu chảy do nhiễm khuẩn như mắc bệnh tả, lỵ trực trùng, amíp cấp tính và những rối loạn khác... Đối với trường hợp đặc biệt như trẻ bị tiêu chảy và suy dinh dưỡng, trẻ bị tiêu chảy và sốt cao co giật; cần phải lưu ý một số vấn đề trong điều trị. Trẻ suy dinh dưỡng thường bị tiêu chảy, việc điều trị gặp khó khăn hơn trẻ có dinh dưỡng tốt; cần bù nước và chất điện giải như đã nêu ở trên nhưng giai đoạn duy trì kéo dài hơn, vì vậy phải dùng dung dịch oresol thời gian lâu hơn; đối với trẻ suy dinh dưỡng thể phù gọi là bệnh Kwashiorkor dễ tăng tình trạng phù và gây suy tim nên cần theo dõi chặt chẽ, cho trẻ ăn lại khẩu phần bình thường càng sớm càng tốt. Trẻ bị tiêu chảy có sốt cao co giật phải tìm ổ nhiễm trùng trong cơ thể ở tại tai, phổi, tiết niệu...; nếu trẻ sốt cao, cần điều trị như những trường hợp sốt cao với thuốc hạ nhiệt và thuốc an thần đề phòng co giật. Hiện nay nhờ sự cải tiến phương pháp và kỹ thuật điều trị bệnh tiêu chảy nên tỷ lệ tử vong do bệnh lý này đã giảm thiểu đến mức đáng kể; tuy nhiên công tác phòng bệnh tiêu chảy vẫn là vấn đề cần phải đặc biệt quan tâm, nhất là đối với các trường hợp tiêu chảy cấp tính ở trẻ em.
Phòng ngừa bệnh tiêu chảy cho trẻ
Để phòng ngừa bệnh tiêu chảy, trẻ phải được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ, đồng thời cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng và giữ gìn vệ sinh cần thiết. Nên cho trẻ bú ngay sữa mẹ sau khi sinh ra được vài giờ, trong 4 đến 6 tháng đầu cần nuôi con bằng sữa mẹ; từ tháng thứ 6 trở đi có thể cho trẻ ăn thức ăn bổ sung. Các nhà khoa học khuyến cáo nên cho trẻ tiếp tục bú sữa mẹ đến 2 tuổi nếu có điều kiện vì sữa mẹ sạch, không bị nhiễm khuẩn, có nhiều chất diệt khuẩn như tế bào bạch cầu, immunoglobin, lactoferin, lysozym. Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng quý và quan trọng, có yếu tố phòng bệnh tiêu chảy tốt nhất cho trẻ đã được khẳng định. Nếu trẻ không có đủ sữa mẹ hoặc không có mẹ để bú sữa, có thể cho bú thêm sữa bò hoặc sử dụng sữa bò thay thế bằng cách dùng thìa hay bình sữa với núm vú cao su. Ngoài nguồn sữa mẹ, việc cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cũng là vấn đề cần thiết; từ tháng thứ 6 trở đi nên cho trẻ ăn thêm các loại thức ăn giàu chất đạm, nhất chất đạm động vật; chất giàu năng tượng từ mỡ, dầu; nhiều loại vitamin A, B1, B6, muối khoáng, rau quả... Từ 1 tuổi trở lên nên cho trẻ ăn thêm cháo, cơm, rau, cá, thịt... Nguồn thức ăn phải bảo đảm tươi, không bị nhiễm khuẩn, được đun nấu kỹ và ăn nóng. Ngoài ra phải giữ gìn vệ sinh cần thiết như cho trẻ dùng nước uống tinh khiết, vệ sinh môi trường sống và sinh hoạt của trẻ, giáo dục trẻ giữ vệ sinh cá nhân, không uống nước lã, không ăn quả xanh, rửa tay trước khi ăn... để phòng bệnh tiêu chảy.
TTƯT.BS. NGUYỄN VÕ HINH