Tìm kiếm tin tức
danh mục
bottom

Hồ sơ sức khỏe điện tử

Sự kiện
Bệnh lao với vấn đề kháng thuốc
Ngày cập nhật 20/03/2017
Ảnh sưu tầm minh họa (Nguồn: internet)

      Hiện nay, tình hình dịch tễ bệnh lao và lao kháng thuốc ở Việt Nam còn diễn biến phức tạp, Việt Nam vẫn đứng thứ 14 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu đồng thời đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất Thế giới (báo cáo của WHO 2015).

      Sử dụng kháng sinh có lợi ích to lớn trong điều trị, chăm sóc người bệnh.Tuy nhiên, những loại thuốc này nếu được sử dụng rộng rãi, kéo dài, lạm dụng, làm cho các vi sinh vật thích nghi với thuốc, tạo điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn trở nên kháng thuốc, làm cho thuốc kém hiệu quả hoặc mất hiệu quả.

      Kháng thuốc ngày nay là vấn đề toàn cầu, đặc biệt ở các nước đang phát triển, trên thế giới mỗi năm có hàng trăm ngàn người chết do kháng thuốc và phải chi hàng trăm tỷ USD cho kháng thuốc (theo báo cáo năm 2013 của World Crisis trung bình mỗi nước mất từ 04 -1,6% GDP quốc gia cho phòng, chống kháng thuốc).

      Ở Việt Nam, hầu hết các cơ sở khám, chữa bệnh đang phải đối mặt với tốc độ lan rộng các vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh. Mức độ và tốc độ kháng thuốc ngày càng gia tăng, đang ở mức báo động. Gánh nặng do kháng thuốc ngày càng tăng do chi phí điều trị tăng lên, ngày điều trị kéo dài, ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh, cộng đồng và sự phát triển chung của xã hội.

      Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến trình trạng kháng thuốc, trong đó có nguyên nhân là sử dụng quá liều, dưới liều hoặc lạm dụng thuốc kháng khuẩn đã tạo điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật kháng thuốc xuất hiện, biến đổi và lây lan. Bên cạnh đó còn một nguyên nhân đặc biệt quan trọng là nhận thức của cộng đồng, cán bộ y tế về kháng thuốc còn hạn chế, thói quen tự “chữa trị” và “bắt chước” đơn thuốc của người dân, việc mua kháng sinh quá dễ dàng và đơn giản ở bất kỳ hiệu thuốc nào, việc người bán thuốc dễ dãi bán kháng sinh mà không cần đơn thuốc hoặc tự kê đơn khi người mua có yêu cầu đã dẫn đến tình trạng sử dụng kháng sinh tùy tiện, góp phần làm gia tăng sự kháng thuốc.

      Bệnh lao kháng đa thuốc (MDR-TB), được định nghĩa là kháng với ít nhất đồng thời Rifampicin và Isoniazid. Trên phương diện vi sinh, kháng thuốc là do sự đột biến gien trong nhân tế bào vi khuẩn làm cho một loại thuốc nào đó bị mất hiệu lực điều trị đối với vi khuẩn đó. Một trong các yếu tố có khả năng gây đột biến gien là cách điều trị lao không đúng.

      Theo báo cáo của Chương trình chống lao quốc gia (CTCLQG, kết quả điều tra lao kháng thuốc 2011-2012) tỷ lệ lao kháng đa thuốc trong số bệnh nhân lao mới là 4,0% , trong số bệnh nhân điều trị lại là 23,0%, tỷ lệ lao siêu kháng thuốc (XDR-TB) trong số MDR-TB là 5,6%. Trong tương lai, các quốc gia có thể phải đối mặt với khả năng không có thuốc để điều trị hiệu quả các bệnh truyền nhiễm nếu không có các biện pháp can thiệp phù hợp. Nếu không có những giải pháp mạnh mẽ dự kiến đến năm 2050 sẽ có 10 triệu người tử vong do kháng thuốc mỗi năm.

      Hiện nay, tình hình dịch tễ bệnh lao và lao kháng thuốc ở Việt Nam còn diễn biến phức tạp, Việt Nam vẫn đứng thứ 14 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu đồng thời đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất Thế giới (báo cáo của WHO 2015).

     Chẩn đoán xác định MDR-TB dựa vào nuôi cấy và kháng sinh đồ. Hiện tại Chương trình chống lao quốc gia (CTCLQG) đang áp dụng kỹ thuật Gene Xpert để khẳng định chẩn đoán MDR-TB, thời gian cho kết quả nhanh chỉ trong vòng 2 giờ,  kỹ thuật này cho phép xác định vi khuẩn lao với độ nhạy rất cao (99% người bệnh xét nghiệm đàm trực tiếp dương tính, 80% xét nghiệm đờm trực tiếp âm tính , 91% các trường hợp nuôi cấy dương tính và 72,5% nuôi cấy đờm âm tính); đặc biệt kỹ thuật này cho kết quả kép: bệnh phẩm có vi khuẩn lao hay không và vi khuẩn có kháng với Rifampicin hay không?

      Quản lý điều trị tốt người bệnh mắc lao khi vi khuẩn còn nhạy cảm thuốc là cách tốt nhất để ngăn chặn sự xuất hiện kháng đa thuốc.

      Xác định sớm bệnh lao kháng đa thuốc và điều trị kịp thời, đầy đủ ngay giai đoạn đầu của bệnh là rất cần thiết để ngăn chặn việc lây truyền vi khuẩn kháng đa thuốc.

      Tại Việt Nam, tháng 9/2009 triển khai thí điểm quản lý MDR-TB tại thành phố Hồ Chí Minh, năm 2010 mở rộng 06 tỉnh, đến nay đã mở rộng 51 tỉnh, thành. Theo CTCLQG, trong năm 2015 số bệnh nhân kháng Rifampicine được phát hiện bằng Gene-Xpert là 1.790, số bệnh nhân MDR-TB được thu nhận là 1.532, tỷ lệ điều trị thành công là 70%.

      Từ năm 2014, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Thừa Thiên Huế là một trong 41 tỉnh thực hiện tầm soát, điều trị bệnh nhân lao kháng đa thuốc (MDR-TB) trong mạng lưới chống lao quốc gia (năm 2016 là 51 tỉnh). Ngày 16/12/2015, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh được CTCLQG trang bị và đưa vào sử dụng máy xét nghiệm Gene Xpert để chẩn đoán lao kháng đa thuốc, từ đầu năm 2016 Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện thu dung, quản lý điều trị nội trú, ngoại trú bệnh nhân MDR-TB trên địa bàn. Trong 3 năm 2014, 2015, 2016 bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh Thừa Thiên Huế đã phát hiện, quản lý và điều trị 48 bệnh nhân lao kháng thuốc trên địa bàn, tỷ lệ điều trị thành công lô bệnh nhân năm 2014 và quý I/2015 là 73,3%.

Võ Đại Tự Nhiên

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Bạn đánh giá website của bệnh viện chúng tôi như thế nào?
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.980.572
Truy cập hiện tại 166
Thời tiết
Chung nhan Tin Nhiem Mang