Tìm kiếm tin tức
danh mục
bottom
Thông tin cần biết về Bệnh Đái tháo đường
Ngày cập nhật 09/04/2016

Để tìm hiểu về bệnh Đái tháo đường, Trung tâm Truyền thông GDSK tỉnh có phỏng vấn BS CKII Hoàng Thị Lan Hương, Trưởng khoa Nội tiết- Thần kinh- Hô hấp Bệnh viện Trung ương Huế về nội dung này và cung cấp cho đơn vị để tham khảo phục vụ công tác tư vấn.

BÀI TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CHUYÊN MỤC “SỨC  KHỎE CHO MỌI NGƯỜI” VỀ  BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

BS CKII Hoàng Thị Lan Hương , Trưởng khoa Nội tiết- Thần kinh- Hô hấp Bệnh viện Trung ương Huế

Câu 1. Xin BS cho biết bệnh Đái tháo đường (ĐTĐ) hiện nay như thế nào?

Theo Hội đái tháo đường Hoa Kỳ 2004: “Đái tháo đường là một nhóm các bệnh lý chuyển hóa đặc trưng bởi tăng glucose máu do khiếm khuyết tiết insuline, khiếm khuyết hoạt động insuline, hoặc cả hai. Tăng glucose máu mạn tính trong đái tháo đường sẽ gây tổn thương, rối loạn chức năng hay suy nhiều cơ quan, đặc biệt là mắt, thận, thần kinh, tim và mạch máu“.

Trên thế giới, đái tháo đường chiếm khoảng 60 - 70% các bệnh nội tiết . Đái tháo đường hiện nay được xem là đại dịch trên toàn cầu.

Theo Hiệp hội đái tháo đường thế giới (IDF) năm 2013 trên toàn thế giới có 382 triệu người mắc bệnh đái tháo đường trong đó có đến 46% bệnh nhân đái tháo đường chưa được chẩn đoán và điều trị. Dự tính vào năm 2035 có 592 triệu người mắc bệnh đái tháo đường, tỉ lệ tăng 55% trong đó đa số bệnh nhân = 65 tuổi ở các nước phát triển và từ 45-64 tuổi ở các nước đang phát triển. Cứ mỗi 6 giây trên toàn thế giới có một người chết do ĐTĐ; có khoảng 5,1triệu người chết 2013 do ĐTĐ.

Trong năm 1995 các quốc gia có số người mắc đái tháo đường nhiều nhất và số người dự đoán mắc đái tháo đường vào năm 2025 là Ấn Độ (19 lên 57 triệu), Trung Quốc (16 lên 38 triệu), Hoa Kỳ (14 lên 22 triệu); trong đó Ấn Độ là nước có tỉ lệ tăng nhanh nhất.

Ở Việt Nam chúng ta theo một thống kê vào năm 2012, tỉ lệ ĐTĐ ở các thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh là :10,8-11%, ở Hà Nội 6,2% ở nam và 8% ở nữ. Tỉ lệ đái tháo đường chưa được chẩn đoán trên 60%. Theo tổ chức y tế thế giới, năm 2000 Việt nam có 791.653 người mắc đái tháo đường và tăng lên 2.342.879 người vào năm 2030.

ĐTĐ là gánh nặng đối với sự phát triển kinh tế xã hội vì bệnh gây nhiều biến chứng nặng nề như  thiếu máu cơ tim, tai biến mạch máu não, mù lòa, loét bàn chân, cắt đoạn chi, suy thận và các biến chứng thần kinh khác. Chi phí để điều trị ĐTĐ chiếm khoảng 3-6% ngân sách dành cho ngành y tế.

Năm 2009 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án phòng chống ĐTĐ Quốc gia với các giải pháp dự phòng bệnh ĐTĐ từ trung ương đến các tuyến y tế cơ sở.

Câu 2. Vậy nguyên nhân mắc bệnh ĐTĐ do đâu ?

*Đái tháo đường type 1: Có các yếu tố: di truyền, môi truờng, miễn dịch.

+Di truyền: Đái tháo đường type 1 phối hợp cao với sự gia tăng thường xuyên của kháng HLA B8, B14,15, B18, Cw3, DR3 và DR4 gặp ở bệnh nhân đái tháo đường chủng tộc da trắng, trong khi đó HLA DR3, DR4 có liên quan với đái tháo đường thể 1 châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh. HLA DR3 hoặc DR4 gặp ở 95% đái tháo đường type 1 so với 45-50% nhóm chứng chủng tộc da trắng.

+Yếu tố môi trường: Yếu tố môi trường kết hợp với tổn thương chức năng tế bào đảo tụy bao gồm virus (quai bị, rubella, virus coxsackie B4), tác nhân độc hóa học (nitrophényl-urea độc cho chuột), và các chất độc hủy hoại tế bào khác như hydrogen cyanide từ bột sắn hư hỏng hay từ củ sắn.

+ Yếu tố miễn dịch:

Miễn dịch thể dịch:

Kháng thể lưu hành chống lại những tế bào đảo tụy được tìm thấy ở phần lớn bệnh nhân ĐTĐ type 1 ngay lúc được chẩn đoán (60 - 90%) rồi giảm như: kháng thể kháng tế bào tiểu đảo (ICA: islet cell autoantibody) ở bệnh nhân ĐTĐ thể 1. Ngoài ra > 60% kháng thể kháng insuline được tìm thấy trước khi điều trị insuline (autoantibody to insuline: IAA).

Ngoài ra, phần lớn kháng thể kháng tế bào đảo trực tiếp chống lại Glutamic Acid Decarboxylase (GAD hay GADA), một loại men định vị trong tế bào bêta của tụy.

Miễn dịch tế bào:

Cũng đóng vai trò trong bệnh sinh đái tháo đường type 1, xuất hiện nhiều năm trước khi chẩn đoán lâm sàng; tiến trình miễn dịch xảy ra chậm và tiếp tục.

Các yếu tố khác ngoài liệu pháp miễn dịch có thể ảnh hưởng đến diễn tiến tự nhiên của suy tế bào β trong đái tháo đường type 1.

*Đái tháo đường type 2

Yếu tố di truyền: nghiên cứu ở các cặp song sinh giống nhau, nếu một người mắc đái tháo đường thì 100% người còn lại cũng mắc đái tháo đường.

Yếu tố môi trường:

-Tuổi, béo phì, tĩnh tại là yếu tố nguy cơ dễ đưa đến bệnh đái tháo đường.

- Đề kháng insuline, gia tăng bất thường mô mỡ, tăng VLDL, tăng insuline khi đói và sau ăn, tăng HA (trong hội chứng chuyển hóa).

-Rối loạn chức năng tế bào β trong đái tháo đường type 2:

Và những dấu hiệu gì để chúng ta nghi ngờ bị bệnh ĐTĐ?

Trường hợp điển hình lâm sàng thường xuất hiện hội chứng tăng đường huyết với: uống nhiều, tiểu nhiều, gầy nhiều, xét nghiệm đường máu tăng cao thường gặp ở đái tháo đường typ I hay đái tháo đường typ II có biến chứng.

Có nhiều trường hợp bệnh nhân đến khám với các biến chứng của ĐTĐ như: - Nhiễm khuẩn da lâu lành, ngứa vùng sinh dục; nhiễm khuẩn tiết niệu; lao phổi…
 
- Rối loạn thị lực: nhìn mờ.
  
- Giảm dục tình, liệt dương, mãn kinh.
 
- Nhiều bệnh nhân phát hiện ra bệnh trong tình trạng hôn mê tăng đường máu

Có rất nhiều trường hợp bệnh ĐTĐ typ II diễn tiến âm thầm không có triệu chứng, bệnh chỉ được phát hiện khi bệnh nhân đi khám sức khỏe xét nghiệm kiểm tra đường máu, điều đó giải thích hiện nay có đến 50%-60%  ĐTĐ không được chẩn đoán.

Vì vậy chúng ta cần phải tầm soát ĐTĐ trên những người có yếu tố nguy cơ cao mà tôi sẽ trình bày dưới đây

(Nên tầm soát đái tháo đường cho những người có yếu tố nguy cơ theo khuyến cáo của Hiệp hội ĐTĐ Mỹ :

+≥ 45 tuổi, đặc biệt BMI ≥ 25kg/m2, lập lại mỗi 3 năm nếu tầm soát âm tính.

+< 45 tuổi, BMI ≥ 25kg/m2 kèm yếu tố liên quan:

          + Ít vận động

          + Gia đình có người thân bị đái tháo đường

          + Thuộc chủng tộc có nguy cơ cao : Châu Á…

          + Sinh con > 4kg hoặc có đái tháo đường thai kỳ.

+Tăng HA ( HA ≥ 140/90 mmHg)
          + HDL < 35mg/dl và hoặc Triglycerid > 250mg/dl
          + Lần thử trước có rối loạn đường huyết đói và hoặc có rối loạn dung nạp glucose
          + HbA1c > 5,7%
          + Phụ nữ có hội chứng buồng trứng đa nang
          + Gia đình có tiền sử bệnh mạch vành.

- Đối với phụ nữ có thai, cần sàng lọc để chẩn đoán ĐTĐ ngay từ lần khám trước mang thai cho các đối tượng có nguy cơ và sàng lọc ĐTĐ thai kỳ vào thời điểm thai 24-28 tuần)

Câu 3. Đối với những bệnh nhân ĐTĐ không được điều trị thì những biến chứng gì có thể xảy ra?

1.Biến chứng cấp: Tăng thẩm thấu do tăng glucose máu, hạ glucose máu, nhiễm toan lactique;  nhiễm toan cetone.

Những biến chứng này rất nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

2.Biến chứng mạn tính

a.Biến chứng vi mạch:

+Bệnh lý võng mạc đái tháo đường,đây là nguyên nhân chính gây mù.

Ngoài ra còn có các biến chứng sau: rối loạn chiết quang , rối loạn màu sắc, đục thuỷ tinh thể, viêm thần kinh thị, liệt cơ vận nhãn, glaucome

+Bệnh lý vi mạch thận (bệnh lý thận đái tháo đường):

Thường xảy ra đồng thời với bệnh lý võng mạc, là nguyên nhân hàng đầu suy thận mạn tiến triển.

+Biến chứng thần kinh đái tháo đường:

Thường phối hợp với bệnh lý võng mạc, bệnh lý thận tạo thành “tam bệnh” (triopathie) đặc hiệu của đái tháo đường.

Bệnh lý đa dây thần kinh vận động - cảm giác mạn tính: còn gọi là bệnh lý thần kinh xa gốc đối xứng. Thường gặp nhất, > 50% trường hợp. Đóng vai trò chủ yếu trong bệnh sinh loét bàn chân đái tháo đường.

Bệnh lý một dây thần kinh:

Bệnh lý thần kinh tự động:

Bệnh lý thần kinh cảm giác cấp tính:.

b.Biến chứng mạch máu lớn:

Thiếu máu cơ tim im lặng, nhồi máu cơ tim (50% tử vong), viêm tắc động mạch chi dưới gây hoại tử khô, viêm xương; tắc mạch bàn chân; cẳng chân, phải cắt cụt chi. Tai biến mạch máu não. Tắc mạch thận; hậu quả tăng huyết áp, suy thận.

c. Biến chứng nhiễm trùng: lao, nhiễm siêu vi và vi trùng, nhất là nhiễm trùng đường tiểu dai dẳng và tái phát nhiều lần

Nhiễm trùng da và niêm mạc: nhọt tụ cầu vàng, viêm âm hộ, viêm bao qui đầu.., đôi khi chính bối cảnh nhiễm trùng này làm khởi phát đái tháo đường có sẵn.

d .Các biến chứng khác:

- Tăng huyết áp:

Thường phối hợp với đái tháo đường, đôi khi có trước khi đái tháo đường ,tần suất gặp nhiều ở đái tháo đường type 2 nhất là béo phì vì có sự tương quan giữa béo phì và tăng huyết áp.

- Biến chứng da:

+ Ngoài tổn thương nhọt nhiễm trùng, ở da còn có những biểu hiệu sau: viêm teo dạng mỡ biểu hiệu bằng những nốt mà phần trung tâm teo lại, vùng viền xung quanh tím dần, định vị ở ngón tay hay chi dưới, dị ứng da do insuline, phì đại mô mỡ hoặc teo mô mỡ.

+ Bàn chân đái tháo đường:

Câu 4: Xin BS cho vài lời khuyên để mọi người chủ động phòng, chống bệnh ĐTĐ?     

-Thứ nhất : Một chế độ ăn uống hợp lý, cân đối với đầy đủ các thành phần đường , đạm, mỡ và luyện tập thể lực đều đặn, thường xuyên sẽ giúp bạn phòng bị mắc bệnh ĐTĐ

 - Thứ hai: Nên tầm soát đái tháo đường cho những người có yếu tố nguy cơ theo khuyến cáo của Hiệp hội ĐTĐ Mỹ :

+≥ 45 tuổi, đặc biệt BMI ≥ 25kg/m2, lập lại mỗi 3 năm nếu tầm soát âm tính.

+< 45 tuổi, BMI ≥ 25kg/m2 kèm yếu tố liên quan:

          + Ít vận động

          + Gia đình có người thân bị đái tháo đường

          + Thuộc chủng tộc có nguy cơ cao : Châu Á…

          + Sinh con > 4kg hoặc có đái tháo đường thai kỳ.

+Tăng HA ( HA ≥ 140/90 mmHg)
          + HDL < 35mg/dl và hoặc Triglycerid > 250mg/dl
          + Lần thử trước có rối loạn đường huyết đói và hoặc có rối loạn dung nạp glucose
          + HbA1c > 5,7%
          + Phụ nữ có hội chứng buồng trứng đa nang
          + Gia đình có tiền sử bệnh mạch vành.

- Đối với phụ nữ có thai, cần sàng lọc để chẩn đoán ĐTĐ ngay từ lần khám trước mang thai cho các đối tượng có nguy cơ và sàng lọc ĐTĐ thai kỳ vào thời điểm thai 24-28 tuần:

- Đối với những người có yếu tố nguy cơ có thể can thiệp như: béo phì (nhất là béo ở bụng, béo phì dạng quả táo), tăng huyết áp , rối loạn mỡ trong máu…thì cần điều trị tích cực các yếu tố nguy cơ này.

-Thứ ba: Khi bạn chưa bi ĐTĐ thì nên phòng tránh sự xuất hiện bệnh, khi đã mắc bệnh ĐTĐ thì nên có một chế độ điều trị tích cực bao gồm chế độ ăn uống hợp lý  phối hợp với chế độ luyện tập phù hợp và sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ để hạn chế sự xuất hiện các biến chứng, khi đã có biến chứng xảy ra thì nên kiểm soát đường máu tích cực kết hợp với ổn định huyết áp và tình trạng rối loạn lipide máu để hạn chế tiến triển của biến chứng./.

 

 

 

 

 

 

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Bạn đánh giá website của bệnh viện chúng tôi như thế nào?
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.985.230
Truy cập hiện tại 68