Tìm kiếm tin tức
danh mục
bottom
Miễn học phí cho sinh viên, học viên học một trong các chuyên ngành Lao, Phong, Tâm thần, Giám định pháp y, Pháp y và Giải tâm thần phẫu bệnh ...
Ngày cập nhật 24/04/2016

MIỄN HỌC PHÍ CHO SINH VIÊN CHUYÊN NGÀNH LAO, PHONG, TÂM THẦN, GIÁM ĐỊNH PHÁP Y, PHÁP Y TÂM THẦN,  GIẢI PHẪU BỆNH...

Đây quy định của Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLTBGDĐT-BTC-BLĐTBXH ngày 30/03/2016 của Liên bộ Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021. 

   Cụ thể, Thông tư liên tịch này quy định các đối tượng được miễn học phí bao gồm: Sinh viên, học viên học một trong các chuyên ngành Lao, Phong, Tâm thần, Giám định pháp y, Pháp y và Giải tâm thần phẫu bệnh tại các cơ sở đào tạo nhân lực y tế công lập theo chỉ tiêu đào tạo của Nhà nước; Sinh viên, học viên chuyên ngành Mác - Lê nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh; Học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số rất ít người; Trẻ em học mẫu giáo và học sinh dưới 16 tuổi bị bỏ rơi chưa có người nhận làm con nuôi, bị mồ côi cả cha và mẹ hoặc cả cha và mẹ đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam; Trẻ học mẫu giáo và học sinh phổ thông có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo; Học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú, trường dự bị đại học, khoa dự bị đại học; Sinh viên bị tàn tật, khuyết tật thuộc diện hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo. Bên cạnh đó, học sinh trường tiểu học công lập; học sinh, sinh viên ngành sư phạm hệ chính quy đang theo học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập; người theo học các ngành chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh cũng sẽ không phải đóng học phí. Mức giảm học phí 70% được áp dụng đối với học sinh, sinh viên học các ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các trường văn hóa - nghệ thuật công lập và ngoài công lập; các chuyên ngành nhã nhạc cung đình, chèo, tuồng, cải lương, múa, xiếc; một số nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với giáo dục nghề nghiệp và trẻ em mẫu giáo, học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số (không phải dân tộc thiểu số rất ít người) ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 16/05/2016.

 

LÀM VIỆC TẠI CƠ SỞ CAI NGHIỆN ĐƯỢC TRỢ CẤP TỐI THIỂU 500.000 ĐỒNG/THÁNG

Nghị định số 26/2016/NĐ-CP đã được Chính phủ ban hành ngày 06/04/2016 quy định về chế độ trợ cấp, phụ cấp đối với công chức, viên chức và người lao động làm việc tại các cơ sở quản lý người nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy và cơ sở trợ giúp xã hội công lập với nhiều nội dung đáng chú ý. 

Trước tiên, Nghị định quy định công chức, viên chức làm việc tại các cơ sở quản lý người nghiện ma túy và người sau cai nghiện ma túy được hưởng trợ cấp đặc thù với mức tối thiểu bằng 500.000 đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, công chức, viên chức làm việc tại đây còn được hưởng phụ cấp ưu đãi y tế từ 30% - 70% và phụ cấp ưu đãi giáo dục từ 25% - 50% tùy theo công việc chuyên môn. Đối với công chức, viên chức làm việc tại các cơ sở trợ giúp xã hội, mức phụ cấp dao động từ 30% - 70% tùy vị trí công việc. Trong đó, mức phụ cấp cao nhất là 70% được áp dụng đối với công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp xét nghiệm, khám, điều trị, chăm sóc, nuôi dưỡng… đối với người nhiễm HIV/AIDS, phong, lao, tâm thần; người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng… Ngoài ra, công chức, viên chức không trực tiếp làm chuyên môn công tác xã hội và y tế thì thủ trưởng đơn vị căn cứ vào đặc thù công việc và nguồn thu để quyết định mức phụ cấp nhưng không vượt quá mức 20% so với mức lương ngạch, bậc hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) của đối tượng được hưởng. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/06/2016.

 

MỨC CHI QUẢN LÝ BẢO HIỂM XÃ HỘI, BẢO HIỂM Y TẾ

Một trong những nội dung đáng chú ý tại Quyết định số 15/2016/QĐ-TTg về mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2016 - 2018 do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 05/04/2016 là quy định về mức chi tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong tổ chức BHXH Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và người lao động thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp của ngành lao động thương binh và xã hội.

Cụ thể, mức chi tiền lương đối với các đối tượng này bằng 1,8 lần so với chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quy định, bao gồm tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp, trừ phụ cấp làm đêm, làm thêm giờ. Phần chênh lệch giữa mức chi tiền lương thực tế nêu trên so với chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quy định không dùng để tính đóng, hưởng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp và kinh phí công đoàn. Cũng theo Quyết định này, mức chi phí quản lý BHXH hoặc bảo hiểm thất nghiệp bằng 2,3% dự toán thu, chi BHXH hoặc bảo hiểm thất nghiệp, trừ số chi đóng BHYT cho người hưởng BHXH hoặc trợ cấp thất nghiệp; mức chi phí quản lý BHYT bằng 5% dự toán thu tiền đóng BHYT, được trích từ khoản 10% số tiền đóng BHYT dành cho Quỹ dự phòng và chi phí quản lý Quỹ BHYT.

 Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 25/05/2016; áp dụng cho các năm ngân sách từ năm 2016 - 2018.

Phan Đăng Tâm (Tổng hợp từ Luật Việt Nam)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Bạn đánh giá website của bệnh viện chúng tôi như thế nào?
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.986.146
Truy cập hiện tại 12