Tìm kiếm tin tức
danh mục
bottom
Những yêu cầu cần thiết của một tư vấn viên hỗ trợ tâm lý cho bệnh nhân điều trị Methadone
Ngày cập nhật 21/09/2015

Ma túy làm thương tổn tế bào não, gây nên bệnh não mãn tính ở người nghiện ma túy, làm ảnh hưởng đến vấn đề sức khỏe tâm thần. Vì vậy, cách suy nghĩ, nhận thức, tâm trạng, hành vi và cư xử của người nghiện luôn có biến đổi. Ngoài việc dùng thuốc, tư vấn hỗ trợ tâm lý cũng là phương pháp điều trị  rất cần thiết, góp phần khá quan trọng đến sự thành công trong điều trị cho người nghiện. Muốn vậy, người tư vấn viên phải được trang bị đầy đủ các kiến thức, kỹ năng cần thiết để đáp ứng nhu cầu và các diễn biến thực tế của bệnh nhân.

Tư vấn cho người nhà và bệnh nhân về chương trình điều trị Methadone

Nhu cầu tư vấn hỗ trợ tâm lý cho người sử dụng ma túy rất khác nhau và cần phải linh hoạt do độ tuổi, tính tình, điều kiện sống, hoàn cảnh gia đình, giai đoạn thay đổi hành vi, tác động môi trường, thời gian sử dụng ma túy, số lần và thời gian cai nghiện. Về phẩm chất, một tư vấn viên (TTV) giỏi cần có cái tâm, thật sự tôn trọng bệnh nhân, thực tế, có óc sáng tạo và trí tưởng tượng, không phát xét, không áp đặt quan điểm chủ quan của mình lên bệnh nhân. Về nguyên tắc TVV phải là người tốt, làm việc tốt, thực sự quan tâm tới bệnh nhân, có sự trải nghiệm thực tế để có nhận định và định hướng tương đối toàn diện, đa dạng các khía cạnh về con người, hoàn cảnh, lối sống và tâm lý của bệnh nhân với tính chuyên nghiệp cao.

Để thực hiện tốt các vấn đề trên, yêu cầu TVV phải được trang bị đầy đủ về kiến thức, kỹ năng cần thiết để thực hiện tốt vai trò và nhiệm vụ của mình:

1. Kiến thức:

- Kiến thức về các chất gây nghiện, tình trạng lệ thuộc (nghiện) ma túy về thể chất và tâm lý. Các biện pháp can thiệp và mô hình điều trị nghiện ma túy.

- Kiến thức về điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone

- Kiến thức về HIV/AIDS, các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

- Kiến thức tư vấn hỗ trợ tâm lý, xã hội cho người sử dụng ma túy và những người thân trong gia đình có người sử dụng ma túy.

- Kiến thức về hệ thống chính sách, chương trình hỗ trợ hiện có về các dịch vụ y tế, xã hội cho người sử dụng ma túy.

2. Về kỹ năng:

- Kỹ năng thiết lập quan hệ: là sự tiếp xúc tâm lý giữa TVV và bệnh nhân nhằm trao đổi thông tin, tình cảm, hiểu biết, lối sống, tạo nên những ảnh hưởng, sự gần gũi, thân mật, tác động qua lại nhằm tìm hiểu hoàn cảnh, đánh giá người bệnh để điều chỉnh và phối hợp với nhau trong công việc.

- Kỹ năng tư vấn: giúp bệnh nhân dễ dàng bày tỏ suy nghĩ, quan điểm và các vấn đề cần giải quyết của họ bằng sự thoải mái và tin tưởng, qua đó TVV thu được những thông tin trung thực và chính xác từ bệnh nhân.

- Kỹ năng lắng nghe: là thể hiện sự tập trung, chú ý, nhằm tiếp nhận đầy đủ thông tin, hiểu rõ nội dung, cảm xúc, lắng nghe một cách chăm chú, tôn trọng, khách quan. Vừa lắng nghe vừa ngẫm nghĩ, vừa tế nhị quan sát để có nhận thức sâu hơn, không cắt ngang, tranh cải, không phê phán, thể hiện sự động viên, quan tâm, khích lệ những vấn đề của người bệnh.

- Kỹ năng thấu cảm: là tự đặt mình vào vị trí của bệnh nhân để hiểu được suy nghĩ, cảm xúc, hành vi nhằm cải thiện mối quan hệ của họ. Thấu cảm giúp cho TVV tạo lập đư­ợc mối quan hệ tốt, gần gủi với bệnh nhân trong quá trình tư vấn.

- Kỹ năng thương lượng: là khả năng trình bày, giải thích, phân tích, đồng thời có sự thảo luận để đạt được sự thống nhất nhằm điều chỉnh về suy nghĩ và hành vi, kỹ năng thương lượng cần phải có sự kiên nhẫn, tự tin, cảm thông và tư duy sáng tạo.

- Kỹ năng giải quyết mâu thuẫn: mâu thuẫn thường có ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống hàng ngày. Giải quyết mâu thuẫn là tìm nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn và tìm giải pháp giải quyết mâu thuẫn với thái độ tích cực, bình tĩnh, luôn kìm chế cảm xúc, tránh bị kích động, nóng vội, không nên dùng bạo lực.

- Kỹ năng thuyết phục: là khả năng làm cho bệnh nhân nhìn nhận vấn đề tích cực hơn làm thay đổi được suy nghĩ, từ đó thay đổi hành vi, tạo nên ảnh hưởng tích cực, động viên, kêu gọi sự hợp tác của bệnh nhân theo hướng mình mong muốn và đạt được mục tiêu do TVV và bệnh nhân cùng thỏa thuận đề ra. Luôn tin tưởng rằng bệnh nhân có khả năng tuân thủ điều trị tốt và từ bỏ ma túy.

- Kỹ năng giám sát hỗ trợ: là việc theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện những điều đã được thương lượng và thỏa thuận nhằm giúp cho bệnh nhân đạt được mục tiêu mà họ đặt ra.

- Kỹ năng bảo mật thông tin: bảo mật thông tin là một trong những nguyên tắc quan trọng, tạo cho bệnh nhân cảm thấy được an tâm, sẵn sàng chia sẻ thông tin một cách chân thành, cởi mở, bộc lộ được tâm trạng và những khó khăn của họ. Bệnh nhân càng tin cậy hơn khi không gian tư vấn được cách biệt, riêng tư, yên tĩnh.

3. Về vai trò

- Là người vận động: trong vai trò này, người TVV cần có tư duy sáng tạo nhằm thu hút và lôi kéo sự tham gia của bệnh nhân, người thân, các thành viên trong gia đình, các địa phương, cơ quan, tổ chức ủng hộ tham gia vào tiến trình hỗ trợ bệnh nhân. Sự vận động ủng hộ về chính sách và tài chính là 2 vấn đề rất quan trọng đối với người sử dụng ma túy

- Là người can thiệp khủng hoảng: cần tìm hiểu, đánh giá, xác định nguyên nhân khủng hoảng, tìm giải pháp tích cực giải quyết các nhu cầu cấp bách của bệnh nhân, có thể giới thiệu, chuyển gửi đến các dịch vụ y tế, xã hội khi cần thiết.

- Là người điều phối: để giúp bệnh nhân tiếp cận được các nguồn lực trong cộng đồng có hiệu quả nhất, Mục đích của điều phối là tạo cơ hội cho bệnh nhân tiếp cận được các nguồn lực nhằm hỗ trợ việc điều trị một cách hiệu quả. Tuy nhiên điều này phụ thuộc vào khả năng sẵn có từ các nguồn lực.

- Là người trợ giúp: TVV còn được xem như người cung cấp các dịch vụ trợ giúp cho bệnh nhân và gia đình không có khả năng tự đáp ứng được nhu cầu của mình và tự giải quyết vấn đề trong quy trình điều trị nghiện.

- Là người kết nối dịch vụ: để cung cấp thông tin và giới thiệu các dịch vụ cho bệnh nhân để họ tiếp cận những nguồn lực, tài chính, kỹ thuật để hỗ trợ cho bệnh nhân giải quyết những vấn đề cần thiết cho cá nhân họ.

- Là người truyền thông: cần vận dụng các kỹ năng, phương pháp để cung cấp các kiến thức, thông tin có liên quan đến việc điều trị cho bệnh nhân, gia đình bệnh nhân, cộng đồng, các tổ chức. Đồng thời cũng truyền thông thông tin hoạt động của mình tới các cá nhân, tổ chức với mục đích tìm kiếm nguồn lực để hỗ trợ cho bệnh nhân của mình.

4. Về nhiệm vụ:

- Cung cấp kiến thức về những tác hại hậu, quả của ma túy và việc lạm dụng ma túy, nâng cao nhận thức và thay đổi được hành vi có hại và những ảnh hưởng do ma túy gây nên.

- Cung cấp các chương trình, mô hình điều trị nghiện hiện có. Những quy định của pháp luật liên quan đến ma túy.

- Cung câp các dịch vụ hỗ trợ và kiến thức cho bệnh  nhân về phòng chống HIV, Lao, bệnh lây truyền qua đường tình dục,

- Cung cấp thông tin, truyền thông cho cộng đồng hiểu rõ nhằm giảm sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nghiện ma túy.

Nguyễn Chí Hùng
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Bạn đánh giá website của bệnh viện chúng tôi như thế nào?
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.983.567
Truy cập hiện tại 154