Virút viêm gan C (HCV: hepatitis C virus) có cấu trúc di truyền là sợi đơn RNA (ribonucleic acid) thuộc họ Flaviviridae; chúng có 6 kiểu gen là 1, 2, 3, 4, 5, 6; mỗi kiểu gen lại chia thành nhiều nhóm dưới gồm a, b... Ở nước ta, các kiểu gen thường gặp là 1, 6, 2 và 3. Có thể nói loại virút viêm gan C là nguyên nhân hàng đầu gây nên những trường hợp bệnh gan mạn tính thường gặp.
Triệu chứng bệnh lý và chẩn đoán bệnh
Về lâm sàng: Thực tế phần lớn các trường hợp bị nhiễm bệnh viêm gan virút C thường không có triệu chứng lâm sàng cho đến khi có biểu hiện dấu hiệu xơ gan; đôi khi có triệu chứng mệt mỏi, chán ăn, đầy bụng, đau nhẹ hạ sườn phải, rối loạn tiêu hóa, đau cơ... Có thể gặp triệu chứng vàng da nhẹ, kín đáo. Đồng thời cũng có thể gặp các biểu hiện ngoài gan như đau khớp, viêm khớp, tóc dễ gãy rụng; hiện diện globulin lạnh (cryoglobulinemia) ở trong máu, đau cơ, bệnh cơ tim, viêm cầu thận tăng sinh màng...
Về cận lâm sàng: Có thể thực hiện các xét nghiệm giúp chẩn đoán bệnh bao gồm: Xét nghiệm anti-HCV là xét nghiệm dùng để sàng lọc tình trạng nhiễm virút viêm gan C đối với những người có nguy cơ cao như: tiêm chích ma túy, tiền sử truyền máu, quan hệ tình dục không an toàn, quan hệ đồng tính nam, lọc máu chu kỳ, xăm trổ trên da, ghép tạng, trẻ được sinh ra từ người mẹ bị nhiễm virút viêm gan C. Xét nghiệm HCV RNA là xét nghiệm để xác định người bệnh đang nhiễm virút viêm gan C, tất cả những người có xét nghiệm anti-HCV dương tính cần phải được làm xét nghiệm HCV RNA. Xét nghiệm xác định kiểu gen (genotype) của HCV là xét nghiệm giúp lựa chọn phác đồ điều trị phù hợp và tiên lượng đáp ứng điều trị. Đánh gia tình trạng xơ hóa gan đối với viêm gan virút C mạn tính giúp xác định giai đoạn xơ hóa gan; các phương pháp đánh gia xơ hóa gan được thực hiện gồm sinh thiết gan và các phương pháp đánh gia không xâm nhập như: chỉ số APRI (the aspartate aminotransferase to platelet ratio index là chỉ số tỷ số AST/tiểu cầu), FIB-4 (fibrosis-4), Fibroscan, ARFI (acoustic radiation force impulse imaging), Fibro test... Đánh giá tình trạng xơ gan còn bù, mất bù dựa vào lâm sàng và xét nghiệm để phân loại xơ gan theo Child-Pugh. Đồng thời thực hiện các xét nghiệm huyết học, sinh hóa và chức năng gan, sàng lọc ung thư gan như: công thức máu, số lượng tiểu cầu, thời gian prothrombin, INR (international normalized ratio), AST (aspartate aminotransferase), ALT (alanine aminotransferase), albumin, bilirubin, AFP (alpha foeto protein), siêu âm gan...
Chẩn đoán xác định viêm gan virút C được thực hiện tùy theo trường hợp cấp tính, mạn tính hay đối với trẻ em. Thể viêm gan virút C cấp tính có thời gian nhiễm virút dưới 6 tháng, có tiền sử phơi nhiễm với nguồn bệnh; dấu hiệu lâm sàng biểu hiện kín đáo hoặc có thể biểu hiện của triệu chứng viêm gan cấp tính như mệt mỏi, vàng mắt, vàng da...; chỉ số AST, ALT thường tăng, xét nghiệm HCV RNA dương tính sau 2 tuần bị phơi nhiễm, xét nghiệm anti-HCV có thể âm tính trong vài tuần đầu hoặc dương tính sau 8 - 12 tuần bị phơi nhiễm; lưu ý chẩn đoán nhiễm virút viêm gan C cấp tính khi có sự chuyển đổi kết quả xét nghiệm anti-HCV từ âm tính sang dương tính hay kết quả xét nghiệm anti-HCV âm tính nhưng xét nghiệm HCV RNA dương tính. Thể viêm gan virút C mạn tính có thời gian nhiễm virút viên gan C trên 6 tháng, có hoặc không có biểu hiện lâm sàng, xét nghiệm anti-HCV dương tính và xét nghiệm HCV RNA dương tính hoặc xét nghiệm HCV core-Ag dương tính; không có hoặc có xơ hóa gan, xơ gan. Đối với trẻ em bị viêm gan virút C, nếu trẻ em dưới 18 tháng tuổi cần xét nghiệm HCV RNA lúc trẻ được 6 tháng và 12 tháng tuổi, trẻ được chẩn đoán nhiễm virút viêm gan C khi có ít nhất hai lần xét nghiệm HCV RNA dương tính; nếu trẻ em trên 18 tháng tuổi được chẩn đoán nhiễm virút viêm gan C khi xét nghiệm anti-HCV dương tính và xét nghiệm HCV RNA dương tính.
Lưu ý trong khi chẩn đoán viêm gan virút C, cần xác định các bệnh lý có thể đi kèm. Người bệnh bị viêm gan virút C cần được xét nghiệm kiểm tra tình trạng đồng nhiễm virút viêm gan B, D, E, A; viêm gan tự miễn, viêm gan do rượu, viêm gan nhiễm mỡ không do rượu, nhiễm HIV (human immunodeficiency virus), tiểu đường, bệnh lý tuyến giáp trạng...
Điều trị bệnh viêm gan virút C
Việc điều trị bệnh viêm gan virút C được thực hiện tùy theo trường hợp cấp tính hay mạn tính đã được chẩn đoán xác định.
Đối với viêm gan virút C cấp tính: Trên thực tế có khoảng 15 - 45% người bệnh nhiễm virút viêm gan C cấp tính có thể tự khỏi mà không cần điều trị đặc hiệu. Vì vậy chỉ thực hiện việc chữa trị hỗ trợ bằng cách nghỉ ngơi và điều trị triệu chứng là chủ yếu. Theo đó, không khuyến cáo điều trị đặc hiệu đối với người bệnh bị nhiễm virút viêm gan C cấp tính. Trong trường hợp này, chỉ xem xét điều trị khi người bệnh có những biểu hiện bệnh nặng hơn đe dọa đến tính mạng. Nên theo dõi kết quả xét nghiệm HCV RNA ít nhất 12 tuần sau chẩn đoán, trước khi bắt đầu điều trị để xác định khả năng thải trừ virút tự nhiên; nếu xét nghiệm HCV RNA dương tính sau 12 tuần theo dõi phải điều trị bằng các thuốc kháng virút trực tiếp DAAs (direct acting antivirals) như trường hợp viêm gan virút mạn tính.
Đối với viêm gan virút C mạn tính: Mục tiêu điều trị là loại trừ virút viêm gan C ra khỏi cơ thể người bệnh, đạt được đáp ứng virút bền vững; phòng ngừa các biến chứng về gan và các bệnh ngoài gan liên quan đến virút viêm gan C bao gồm viêm gan tiến triển, xơ hóa gan, xơ gan, ung thư gan nguyên phát, biểu hiện ngoài gan nặng và tử vong; dự phòng lây nhiễm virút viêm gan C trong cộng đồng. Các thuốc điều trị bệnh viêm gan virút C gồm: Peginterferon, Ribavirin, Sofosbuvir, Daclatasvir, Sofosbuvir + Ledipasvir, Sofosbuvir + Veltapaspir, Paritaprevir + Ombitasvir + Ritonavir, Dasabuvir, Simeprevir, Grazoprevir + Elbasvir.
Để chuẩn bị điều trị bệnh viêm gan virút C mạn tính, người bệnh cần được khám lâm sàng toàn diện và thực hiện các xét nghiệm cần thiết. Đối với phụ nữ trong tuổi sinh đẻ hoặc nghi ngờ có thai cần xét nghiệm thử thai định tính. Đồng thời giải thích, tư vấn cho người bệnh về những vấn đề quan trọng như: đường lây nhiễm virút viêm gan C để phòng lây nhiễm cho cộng đồng và dự phòng tái nhiễm, các biến chứng của bệnh viêm gan virút C và khả năng tái nhiễm mới, những tác hại và việc nên tránh các thức uống có cồn, các phác đồ điều trị hiệu quả, các tác dụng không mong muốn của thuốc điều trị, khả năng sinh quái thai của các thuốc điều trị, hướng dẫn sử dụng các biện pháp phòng tránh thai trong quá trình điều trị và 6 tháng sau điều trị đối với cả người bệnh và bạn tình, lợi ích của việc tuân thủ điều trị theo chỉ định. Việc chỉ định điều trị được thực hiện khi người bệnh có đủ các điều kiện như kết quả xét nghiệm HCV RNA dương tính và xét nghiệm anti-HCV dương tính. Căn cứ vào xét nghiệm kiểu gen, các trường hợp chống chỉ định, sự tương tác thuốc và các bệnh đi kèm để lựa chọn các phác đồ điều trị phù hợp cho người bệnh không xơ gan, người bệnh xơ gan còn bù, người bệnh xơ gan mất bù. Lựa chọn ban đầu là phác đồ sử dụng các thuốc kháng virút trực tiếp DAAs (direct acting antivirals), các nhà khoa học khuyến cáo phác đồ có Peginterferon là thuốc để lựa chọn thay thế. Trường hợp không xác định được kiểu gen thì sử dụng phác đồ điều trị được cho kiểu gen 6. Các phác đồ sử dụng thuốc kháng virút trực tiếp (DAAs) thế hệ mới chưa được đề cập có thể được xem xét bổ sung căn cứ theo các hướng dẫn chuyên môn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO); các Hiệp hội gan mật châu Á Thái Bình Dương, châu Âu, châu Mỹ và theo những quy định có liên quan đến việc sử dụng thuốc tại Việt Nam.
Lưu ý trong quá trình điều trị bệnh viêm gan virút C mạn tính, phải theo dõi chặt chẽ các tác dụng không mong muốn của thuốc điều trị, đặc biệt đối với người bệnh sử dụng phác đồ có Peginterferon, Ribavirin và có điều trị những bệnh kèm theo. Các thuốc kháng virút trực tiếp (DAAs) có một số tác dụng nhẹ và thường tự khỏi. Đối với người bệnh đang sử dụng các thuốc khác cũng cần lưu ý khả năng tương tác thuốc giữa thuốc đang sử dụng với thuốc điều trị bệnh viêm gan virút C. Ngoài ra trong quá trình điều trị, phải theo dõi đáp ứng điều trị để đánh giá kết quả qua các xét nghiệm cần thiết; xác định bệnh viêm gan virút C được điều trị khỏi khi người bệnh đạt đáp ứng virút bền vững sau 12 tuần kết thúc điều trị, cần theo dõi sau khi ngưng điều trị 24 tuần bằng xét nghiệm định lượng HCV RNA để bảo đảm người bệnh không bị tái phát; đồng thời người bệnh sau khi điều trị khỏi cũng nên theo dõi để phát hiện những biến chứng, sự tái nhiễm hay tái phát. Trường hợp điều trị thất bại được xác định khi người bệnh không đạt được đáp ứng virút bền vững ở tuần thứ 12 sau kết thúc điều trị, trường hợp này nên hội chẩn lấy ý kiến của các nhà khoa học để chọn lựa phác đồ thích hợp cho từng cá thể. Chỉ định ngừng điều trị khi người bệnh có các tác dụng không mong muốn nặng đe dọa đến tính mạng, đặc biệt là phác đồ có Peginterferon; trường hợp kết quả định lượng xét nghiệm HCV RNA trên ngưỡng tại tuần thứ 4 của quá trình điều trị thì cần xét nghiệm định lượng HCV RNA tại tuần thứ 8, nếu HCV RNA tăng hơn 10 lần phải ngừng điều trị với phác đồ đang sử dụng và cần hội chẩn các nhà khoa học để xem xét chuyển đổi phác đồ điều trị khác có hiệu quả hơn.
Điều cần quan tâm trong phòng bệnh
Như trên đã nêu, bệnh viêm gan virút C có thể lây nhiễm qua đường máu, qua quan hệ tình dục và mẹ truyền sang con gây viêm gan cấp tính, viêm gan mạn tính; có khả năng tiến triển thành xơ gan, ung thư tế bào gan. Theo các nhà khoa học, loại virút viêm gan C là nguyên nhân hàng đầu gây nên những trường hợp bệnh gan mạn tính thường gặp. Trên thực tế có khoảng 15 - 45% người bệnh nhiễm virút viêm gan C cấp tính có thể tự khỏi mà không cần điều trị nên việc chữa trị chủ yếu là nghỉ ngơi, điều trị triệu chứng, không điều trị bằng thuốc đặc hiệu. Tuy vậy, đối với các trường hợp viêm gan virút C mạn tính cần phải được phát hiện và xử trí điều trị phù hợp, trong đó có sử dụng thuốc đặc hiệu theo chỉ định của bác sĩ vì bệnh có thể dẫn đến các biến chứng trầm trọng, thậm chí gây tử vong. Hiện nay bệnh viêm gan virút C chưa có vắc-xin phòng ngừa như viêm gan virút A, viêm gan virút B nên việc phòng bệnh chủ yếu là thực hiện các biện pháp đơn giản gồm: không dùng chung bơm kim tiêm, các dụng cụ tiêm chích ma túy hay bất cứ dụng cụ cá nhân nào như dao cạo, bàn chải đánh răng... hoặc bất kỳ một vật dụng nào đó có thể dính máu; tránh sinh hoạt tình dục không an toàn với một hoặc một số người không rõ về tình trạng sức khỏe; không xỏ lỗ tai hoặc xăm trổ hình trên da trừ khi biết chắc chắn dụng cụ đã được tiệt trùng đúng phương pháp; chú ý chế độ dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng; tránh sinh hoạt trong những môi trường không trong sạch, kiêng cử rượu bia và thuốc lá, có nếp sống lành mạnh...