Lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong ba con đường chính làm lây truyền HIV/AIDS, với nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con là 25-40%. Tuy nhiên, nếu bà mẹ được chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả thì tỉ lệ lây truyền từ mẹ sang con chỉ còn 2-6%, thậm chí là 0%. Do vậy, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong những giải pháp quan trọng góp phần giảm đáng kể tỷ lệ trẻ sinh ra bị lây nhiễm HIV từ mẹ.
Ảnh minh họa
Trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo và đầu tư của Đảng và Nhà nước, công tác phòng chống HIV/AIDS trong đó có dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã đạt được một số thành tựu quan trọng. Chương trình Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được triển khai trên địa bàn tỉnh, đến nay đã đạt được những kết quả khả quan, có ý nghĩa thiết thực với cộng đồng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Chương trình đã triển khai gói dịch vụ phòng lây nhiễm mẹ con tại các cơ sở y tế. Muốn sinh ra đứa con khỏe mạnh, phụ nữ mang thai cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn và xét nghiệm HIV sớm, để được chăm sóc và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; trẻ em sinh ra từ mẹ nhiễm HIV cần được chăm sóc và điều trị thích hợp và nuôi dưỡng an toàn theo chỉ dẫn của cán bộ y tế; nam giới hãy chủ động dự phòng lây nhiễm HIV cho mình và người thân… là những thông điệp truyền thông chuyển tới cộng đồng nói chung và các bà mẹ mang thai nói riêng.
Sau gần 10 năm thực hiện, chương trình dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con được thực hiện tại Tỉnh đã và đang đem lại hiệu quả rất thiết thực, mang đến cho các bà mẹ nhiễm HIV sinh ra những đứa con khỏe mạnh, bình thường như bao đứa trẻ khác.
Hằng năm số ca xét nghiệm HIV ở phụ nữ mang thai khoảng 18.000 -20.000 ca. Tỷ lệ phụ nữ mang thai được tư vấn xét nghiệm HIV đạt khoảng 90%. Tỷ lệ phụ nữ mang thai nhiễm HIV và con của họ được dự phòng sớm bằng thuốc ARV đạt 70%, tỷ lệ trẻ sinh từ phụ nữ mang thai nhiễm HIV được chăm sóc và quản lý cho đến khi khẳng định tình trạng nhiễm HIV đạt 100% so với kế hoạch.
Công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con dự đạt được những kết quả như trên là nhờ hằng năm Bộ y tế đã ban hành các văn bản chỉ đạo kịp thời, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS đã tham mưu Sở Y tế ban hành văn bản chỉ đạo và chuyên môn về chương trình dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con. Các cơ sở y tế đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện một cách nghiêm túc. Tuy nhiên, công tác này còn gặp một số khó khăn, tồn tại nhất định, cụ thể Công tác xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai còn thực hiện ở giai đoạn muộn của thai kỳ, đặc biệt có những trường hợp xét nghiệm phát hiện phụ nữ mang thai nhiễm HIV trong lúc chuyển dạ nên can thiệp muộn. Ngân sách chương trình hạn chế nên sinh phẩm để xét nghiệm HIV ở phụ nữ mang thai không đáp ứng được theo nhu cầu thực tế, chỉ miễn phí cho các trường hợp nghèo, khó khăn, đối tượng có các hành vi nguy cơ cao. Việc xã hội hóa xét nghiệm HIV ở phụ nữ mang thai lại bị vướng bởi Luật Phòng, chống HIV/AIDS (Điều 35, phụ nữ mang thai tự nguyện xét nghiệm HIV được miễn phí). Trong khi đó xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai bằng nguồn Bảo hiểm y tế theo Thông tư 15/2015/TT-BYT về Hướng dẫn thực hiện khám bệnh, chữa bệnh BHYT đối với người nhiễm HIV và người sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS chưa được áp dụng mạnh mẽ tại các cơ sở y tế vì ngại xuất toán của Bảo hiểm xã hội. Mặt khác, nhận thức tầm quan trọng của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nói chung và phụ nữ mang thai nói riêng về tầm quan trọng của việc xét nghiệm HIV còn hạn chế, nên ảnh hưởng đến việc tự nguyện xét nghiệm HIV.
Định hướng kế hoạch năm 2017, đảm bảo thực hiện các mục tiêu: 60% phụ nữ mang thai được tư vấn xét nghiệm HIV; 90% số phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị ARV; 60% phụ nữ mang thai nhiễm HIV và con của họ được dự phòng sớm bằng thuốc ARV; 90% trẻ sinh từ phụ nữ mang thai nhiễm HIV được chăm sóc và quản lý cho đến khi khẳng định tình trạng nhiễm HIV.
Nhằm đạt được các mục tiêu của chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cần tập trung thực hiện đồng bộ các hoạt động sau:
Công tác lập kế hoạch, tổ chức và quản lý Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh là đầu mối chịu trách nhiệm chính trong công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Các cơ sở y tế xây dựng kế hoạch triển khai phù hợp với thực trạng của mỗi đơn vị, tăng cường lồng ghép với các chương trình dự án ở địa phương hoặc vận động từ các nguồn ngân sách hợp pháp khác. Đảm bảo các hoạt động cơ bản gồm tư vấn xét nghiệm HIV, tập huấn chuyên môn, công tác truyền thông và huy động sự tham gia của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Tăng cường sự phối hợp liên ngành các cấp, các địa phương trong các hoạt động liên quan đến chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Công tác thông tin, truyền thông - giáo dục sức khỏe, tập trung thông tin, truyền thông và giáo dục về lợi ích tiếp cận sớm các dịch vụ, đặc biệt là tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai trong 03 tháng đầu của thai kỳ, các can thiệp dự phòng lây truyền và hiệu quả của các biện pháp can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Quảng bá, giới thiệu địa chỉ các cơ sở cung cấp can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sẵn có tại các cơ sở y tế.
Cung cấp các dịch vụ can thiệp phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con Tăng cường cung cấp dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV cho các thai phụ đến khám thai tại các cơ sở y tế; Cung cấp sinh phẩm xét nghiệm HIV, thuốc ARV cho mẹ và cho con; Tiếp tục triển khai điều trị bằng 03 thuốc TDF(Tenofovir)/3TC (Lamivudine)/EFV (Efavirenz) sớm ngay khi phát hiện phụ nữ mang thai nhiễm HIV bất kể thời gian mang thai và số lượng CD4 (theo Quyết định số 3047/QĐ-BYT ngày 22/7/2015 về Hướng dẫn Quản lý, điều trị và chăm sóc HIV/AIDS) tại các cơ sở sản khoa có cung cấp thuốc ARV điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV; Triển khai tư vấn xét nghiệm cho chồng/bạn tình của thai phụ nhiễm HIV tại các cơ sở sản khoa có triển khai chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; Tăng cường hoạt động chuyển gửi trẻ được sinh ra từ mẹ nhiễm HIV sang cơ sở chăm sóc điều trị nhi đảm bảo trẻ được tiếp cận chăm sóc sau sinh (được cấp Cotrimoxazol điều trị dự phòng viêm phổi, được xét nghiệm PCR chẩn đoán sớm tình trạng nhiễm HIV của trẻ, được khám theo dõi tăng trưởng và tư vấn nuôi con); Tăng cường hoạt động chuyển gửi mẹ nhiễm HIV sang cơ sở đủ điều kiện điều trị ngoại trú người lớn để mẹ được tiếp tục chăm sóc và điều trị ARV liên tục; Tăng cường các hoạt động khám, quản lý thai sản, cung cấp các dịch vụ về kế hoạch hóa gia đình cho phụ nữ nói chung và phụ nữ nhiễm HIV nói riêng.
Các hoạt động điều phối, phối hợp Trung tâm CSSKSS phối hợp với Trung tâm phòng chống HIV/AIDS để tổ chức đoàn giám sát, hỗ trợ kỹ thuật định kỳ cho các cơ sở y tế. Tổ chức họp mạng lưới ở các cơ sở y tế triển khai cung cấp dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con nhằm nắm bắt tình hình, cập nhật thông tin, nhắc nhở các đơn vị. Tổng hợp báo cáo thực hiện kế hoạch theo định kỳ về tình hình cung cấp các dịch vụ lây truyền mẹ con.
Công tác tư vấn xét nghiệm và chuyển tuyến phụ nữ mang thai nhiễm HIV, thực hiện tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai.Trong quá trình tư vấn khi có kết quả xét nghiệm HIV dương tính, cán bộ y tế có trách nhiệm chuyển tuyến đến các dịch vụ điều trị về HIV/AIDS, đặc biệt điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.
Tất cả các hoạt động trên được triển khai xuyên suốt cả năm. Riêng tháng 6 - Tháng cao điểm dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con sẽ có kế hoạch và văn bản chỉ đạo để tăng cường hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con. Chủ động xét nghiệm và điều trị dự phòng lây nhiễm HIV là cách tốt nhất để các bà mẹ chủ động bảo vệ sức khỏe cho chính đứa con của mình, thoát khỏi căn bệnh thế kỷ. Cha mẹ hãy sinh ra những đứa con khỏe mạnh để trẻ được phát triển toàn diện và cống hiến cho đất nước, xã hội.
Ảnh minh họa