Tìm kiếm tin tức
danh mục
bottom
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 03/2018
Ngày cập nhật 25/02/2018

Hàng loạt chính sách mới trong các lĩnh vực, trong đó có y tế và bảo hiểm sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 03/2018.

Y TẾ-SỨC KHỎE

Bệnh viện phát thuốc hàng ngày, bệnh nhân phải ký nhận

Đây là nội dung quy định tại Thông tư 50/2017/TT-BYT sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thanh toán chi phí khám, chữa bệnh.

Cụ thể, bệnh viện phải công khai thuốc dùng hàng ngày cho từng người bệnh điều trị nội trú bằng cách thông báo cho người bệnh trước khi dùng thuốc, đồng thời yêu cầu người bệnh hoặc người thân ký nhận vào Phiếu công khai dịch vụ khám, chữa bệnh nội trú hàng ngày. Phiếu này được kẹp đầu giường bệnh hoặc cuối giường bệnh.

Trường hợp chuyển tuyến, bệnh viện phải chuyển các phim chẩn đoán hình ảnh kèm theo các giấy, phiếu chuyển viện tương ứng với phim được chuyển và lưu cùng hồ sơ bệnh án. Thông tư này được ban hành ngày 29/12/2017; có hiệu lực từ ngày 01/03/2018.

 

Đơn thuốc của trẻ dưới 72 tháng phải ghi thông tin của bố mẹ

Theo Thông tư 52/2017/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 01/03/2018, đơn thuốc điều trị ngoại trú cho trẻ dưới 72 tháng tuổi phải ghi số tháng tuổi, ghi tên và số chứng minh nhân dân hoặc số căn cước công dân của bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ vào đơn thuốc.

Cũng theo Thông tư này, cơ sở bán lẻ thuốc phải lưu bản chính hoặc bản sao đơn có kê thuốc kháng sinh, kháng virus hoặc lưu thông tin về đơn có kê thuốc kháng sinh, kháng virus, gồm: Tên, địa chỉ cơ sở khám, chữa bệnh; Tên người kê đơn, người bệnh; Tên thuốc… trong 01 năm. Đối với thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất không dùng hoặc sử dụng không hết phải trả lại cho nơi đã cấp hoặc bán thuốc. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/03/2018.

 

Dữ liệu khám, chữa bệnh phải được gửi ngay khi kết thúc đợt điều trị

Nội dung này được đưa ra tại Thông tư 48/2017/TT-BYT ngày 28/12/2017 quy định về trích chuyển dữ liệu điện tử trong quản lý và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Cụ thể, cơ sở khám, chữa bệnh phải gửi dữ liệu điện tử về khám, chữa bệnh lên Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế của Bảo hiểm xã hội Việt Nam ngay sau khi kết thúc lần khám bệnh hoặc đợt điều trị ngoại trú hoặc nội trú của người bệnh. Đồng thời, phải kiểm tra, đối chiếu, xác thực các dữ liệu này trong thời gian 07 ngày làm việc kể từ khi kết thúc việc khám, chữa bệnh.  Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/03/2018.

 

Tỷ lệ hao hụt thuốc được thanh toán là 0,1%

Ngày 29/12/2017, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 55/2017/TT-BYT quy định tỷ lệ hao hụt tối đa được thanh toán của các mặt hàng thuốc sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh so với tổng giá trị thuốc sử dụng tại năm quyết toán là 0,1%.

Trong đó, các trường hợp thuốc được thanh toán hao hụt gồm: Thuốc cấp cứu, chống độc, thuốc hiếm bắt buộc phải dự trữ bị quá hạn sử dụng được thanh toán chi phí hao hụt đối với số lượng thuốc bị quá hạn trong công đoạn dự trữ, bảo quản tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Thuốc bị hỏng, vỡ trong công đoạn dự trữ, bảo quản, vận chuyển… do nguyên nhân khách quan; Thuốc bị hao hụt trong quá trình pha chế, phân chia liều trước khi cấp phát cho người bệnh. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/03/2018.

 

BẢO HIỂM

Chỉ cấp 1 Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH cho mỗi lần khám bệnh

Theo Thông tư 56/2017/TT-BYT quy định chi tiết thi hành Luật Bảo hiểm xã hội và Luật An toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế, mỗi lần khám người bệnh chỉ được cấp 01 Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội. Nếu nghỉ dài hơn 30 ngày ngày thì khi hết hoặc sắp hết thời hạn nghỉ ghi trên Giấy chứng nhận đã được cấp, người bệnh phải tiến hành tái khám để người hành nghề xem xét quyết định.

Bên cạnh đó Thông tư cũng có quy định cụ thể về các bệnh được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội 01 lần; bao gồm: Ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn; Các bệnh, tật ngoài các bệnh trên có mức suy giảm khả năng lao động hoặc mức độ khuyết tật từ 81% trở lên và không tự phục vụ được nhu cầu sinh hoạt, cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/03/2018.

 

Phan Đăng Tâm - TTTTGDSK (Trích nguồn Luật Việt Nam)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Bạn đánh giá website của bệnh viện chúng tôi như thế nào?
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.983.550
Truy cập hiện tại 150