Theo Bộ Y tế, ước tính đến hết 30/6/2018, cả nước có 81,59 triệu người tham gia Bảo hiểm y tế (BHYT) tỷ lệ bao phủ đạt 86,9%, trong đó người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách xã hội đã được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ mức đóng BHYT.
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Thừa Thiên Huế
Về tổ chức khám chữa bệnh BHYT, hiện tại, cả nước có 2.169 cơ sở khám chữa bệnh thuộc tất cả các tuyến chuyên môn kỹ thuật, trong đó cơ sở y tế công lập là 1.549, cơ sở y tế tư nhân là 544 và y tế cơ quan là 223 cơ sở; có 9.821/11.161 Trạm Y tế xã (88%) thực hiện khám chữa bệnh BHYT. Số lượt khám chữa bệnh BHYT tăng dần qua các năm, từ 130 triệu lượt năm 2015 đến 147 triệu lượt năm 2016 và 150 triệu lượt năm 2017, theo đó chi phí do quỹ BHYT chi trả tương ứng là trên 47.000 tỷ đồng (2015), 68.000 tỷ đồng (2016), 88.000 tỷ đồng (2017).
Bộ Y tế đã lựa chọn và tổ chức các đoàn do Lãnh đạo bộ trực tiếp khảo sát tại 26 Trạm Y tế xã, phường của 8 tỉnh, thành phố: Lào Cai, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Long An, TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội, Yên Bái, Hà Tĩnh. Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ hoàn thiện mô hình 26 Trạm y tế chuẩn để nhân rộng trên phạm vi cả nước.
Với việc tập trung đầu tư cho Trạm Y tế xã theo chương trình 1379, các Trạm Y tế sẽ thực hiện khám chữa bệnh BHYT tốt hơn, người dân tin tưởng hơn về y tế cơ sở, được tiếp cận với dịch vụ y tế có chất lượng ngay từ đầu và như vậy, quỹ BHYT sẽ được sử dụng có hiệu quả hơn.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao vai trò của y tế cơ sở, BHYT cơ sở, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu thiên niên kỷ trong lĩnh vực y tế, nâng cao sức khỏe, tuổi thọ cho nhân dân. Tuy nhiên, khó khăn chung của hệ thống y tế cơ sở hiện nay, nhất là y tế tuyến xã là do điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị còn hạn chế; việc thực hiện khám chữa bệnh BHYT tại Trạm Y tế xã còn một số khó khăn, thách thức từ quy định của chính sách BHYT ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ y tế và quyền lợi của người bệnh.
Để thực hiện tốt việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT tại tuyến y tế cơ sở, Bộ Y tế đưa ra một số giải pháp như: tiếp tục chỉ đạo, thực hiện tập trung nguồn lực triển khai thực hiện Quyết định 2348/QĐ-TTg để bảo đảm các Trạm Y tế đủ năng lực cung cấp gói dịch vụ y tế cơ bản cho người có thẻ BHYT, tiếp tục chỉ đạo thực hiện Quyết định 1167/QĐ-TTg, bảo đảm đến hết năm 2018 có trên 87% dân số có thẻ BHYT và đến năm 2020 có trên 90,7% dân số có thẻ BHYT, trong đó tập trung chỉ đạo các tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ BHYT thấp (dưới 80%) xây dựng, ban hành kế hoạch và tổ chức thực hiện để đạt bằng tỷ lệ trung bình của cả nước về tỷ lệ tham gia BHYT; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc chỉ định sử dụng thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật bảo đảm theo đúng quy trình chuyên môn, phù hợp với từng người bệnh cụ thể, phù hợp với khả năng chi trả của người bệnh và quỹ BHYT.
Ngành Y tế, ngành BHXH phối hợp chặt chẽ trong việc theo dõi các chỉ số liên quan đến sử dụng dịch vụ y tế để kịp thời có giải pháp giải quyết những vướng mắc phát sinh, thực hiện việc tạm ứng, thanh quyết toán kịp thời để đảm bảo điều kiện hoạt động của cơ sở khám chữa bệnh.