Tìm kiếm tin tức
danh mục
bottom

Hồ sơ sức khỏe điện tử

10.000 bước chân – Thay đổi cuộc sống
Ngày cập nhật 20/05/2019

Lối sống ít vận động là một trong những nguy cơ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Thực hiện vận động 10.000 bước chân mỗi ngày là một trong những cách để chúng ta tăng cường sức khỏe trước sự tấn công của nhiều căn bệnh như đái tháo đường, tăng huyết áp, béo phì...

Vận động thể lực mang lại lợi ích gì cho sức khỏe?

Vận động thể lực được chứng minh là một trong những phương pháp giúp tăng cường phòng ngừa các bệnh mạn tính không lây như thừa cân béo phì, đái tháo đường, tăng huyết áp và bệnh tim mạch. Vận động thể lực cũng là một trong những biện pháp giúp tăng cường khối cơ, phòng chống giảm khối cơ ở người cao tuổi (từ đó phòng chống té ngã và gãy xương bệnh lý), tăng cường khoáng trong xương phòng chống loãng xương và phòng các bệnh về khớp. Ngoài ra, vận động thể lực cũng là một trong những biện pháp giúp tăng chiều cao ở trẻ em thông qua cơ chế kích thích sụn tăng trưởng ở đầu xương dài cũng như kích thích tăng cường tiết nội tiết tố tăng trưởng (một trong những yếu tố giúp tăng chiều cao). Thiếu hoạt động thể lực trực tiếp đóng góp vào khoảng 9% các nguyên nhân tử vong của các bệnh mạn tính không lây ở người trưởng thành trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, theo điều tra toàn quốc mới nhất chỉ có khoảng 70% dân số trưởng thành có mức độ hoạt động đáp ứng với mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (TCYTTG).

Từ những nguyên nhân nên trên mà vận động thể lực đã được TCYTTG đưa vào một trong những khuyến nghị cho mọi đối tượng. Ở trẻ em giai đoạn từ 5-17 tuổi, TCYTTG khuyến cáo các em tích lũy 60 phút vận động thể lực cường độ từ trung bình trở lên trong ngày (mỗi lần ít nhất 10 phút). Ở người trưởng thành trong giai đoạn 18-64 tuổi, TCYTTG khuyến cáo vận động ít nhất 150 phút mỗi tuần với các hoạt động thể lực từ cường độ trung bình trở lên. Để đạt được hiệu quả thì hoạt động thể lực cường độ phải ở cường độ trung bình tức là có tăng nhịp tim và nhịp thở.

Để tốt cho sức khỏe cần vận động thể lực như thế nào?

Về loại hình, hoạt động thể lực không nhất thiết là chơi thể thao, mà có thể thông qua nhiều loại hình khác nhau, bao gồm trò chơi vận động ở trẻ em, thể dục, thể thao, di chuyển (đi bộ, xe đạp), làm công việc nhà, làm vườn, hoạt động thể lực trong giải trí, các giờ học thể dục trong trường và các hoạt động khác tại trường học, công sở và cộng đồng. Trong các loại hình nêu trên, đi bộ là một trong những biện pháp dễ thực hiện, khả thi, bền vững và hiệu quả kinh tế nhất.

Vì sao cần đi bộ 10.000 bước chân mỗi ngày?

Thông điệp 10 ngàn bước chân mỗi ngày có nguồn gốc xuất xứ từ Nhật Bản từ những năm của thập kỷ 1960 và lan rộng ra toàn thế giới trong những năm sau đó. Mười ngàn bước chân tương đương với đi bộ 8 km hay 100 phút đi bộ mỗi ngày. Qua tổng hợp nhiều nghiên cứu khoa học có uy tín trên thế giới cho thấy những đối tượng thực hiện 10 ngàn bước chân mỗi ngày có cải thiện rõ rệt về thành phần cơ thể (giảm lượng mỡ, giảm vòng bụng, cải thiện khối cơ và khoáng xương), cải thiện huyết áp và giảm rối loạn chuyển hóa lipid. Đúc kết các nghiên cứu cũng kết luận khuyến cáo 10 ngàn bước có tác dụng có lợi cho sức khỏe và đáp ứng được khuyến cáo vận động thể lực 150 phút mỗi tuần của TCYTTG.

Chúng ta có thể thực hiện đi bộ 10.000 bước chân mỗi ngày bằng cách nào?

Để thực hiện được khuyến cáo 10 ngàn bước đi, đã có nhiều công nghệ hỗ trợ cho việc đếm bước đi chẳng hạn như máy đếm bước đi (step counters), vòng sức khỏe đếm bước đi và các ứng dụng trên điện thoại di động đếm bước đi. Ở các nước Phương Tây, đã có nhiều Chiến dịch truyền thông cũng như những chính sách cộng đồng, những biển báo trong công viên …để khuyến khích mỗi người tăng cường đi bộ.

Tại Việt Nam, từ năm 2017 cũng đã có nhiều chiến dịch truyền thông khuyến cáo tăng cường người dân tăng cường vận động thể lực nói chung và thực hiện 10 ngàn bước chân mỗi ngày. Tại Việt Nam, theo nghiên cứu khoa học mới nhất cho thấy đa phần vận động thể lực của người dân đều có liên quan trong công việc và đặc biệt cao hơn ở người sống ở ngoại thành so với ngoại thành. Từ đó cho thấy người Việt Nam cần thay đổi thói quen trong việc vận động thể lực, tăng cường vận động thể lực thông qua việc chơi thể thao, vận động thể lực trong giải trí và vận động thể lực trong di chuyển mà giải pháp đơn giản và hiệu quả nhất là đi bộ.

Ở những cự ly gần, chúng ta nên tận dụng việc đi bộ hay xe đạp thay cho sử dụng xe gắn máy. Trong công sở, mọi người cũng nên thường xuyên sử dụng thang bộ thay cho thang máy (đặc biệt là chiều đi xuống), trong trường học, thầy cô nên đảm bảo cho học sinh sử dụng có hiệu quả nhất giờ ra chơi cho hoạt động giải lao và vận động thể lực, trường học nên khuyến khích và hướng dẫn các em các trò chơi dân gian giúp tăng cường vận động thể lực trong không gian hạn chế như trường học ở nước ta mà vẫn đảm bảo an toàn cho học sinh. Ở người ít có thói quen vận động có thể đặt mục tiêu tăng dần số bước đi trong ngày từ 6 ngàn bước lên 8 ngàn bước rồi đến 10 ngàn bước chân mỗi ngày. Về mặt chính sách, chính quyền cần xây dựng vỉa hè thông thoáng để đảm bảo có không gian cho người đi bộ.

Tóm lại, tăng cường hoạt động thể lực là một trong những giải pháp hữu hiệu đối phó với dịch bệnh mạn tính không lây đang gia tăng nhanh chóng trên toàn thế giới và tại nước ta đặt biệt là tại các đô thị lớn trên toàn quốc. Trong đó 10 ngàn bước chân mỗi ngày là một giải pháp hữu hiệu nhất cho việc tăng cường hoạt động thể lực.

TS.BS Trần Quốc Cường

Trung tâm Dinh dưỡng

(Nguồn: http://www.t4ghcm.org.vn)

Tập tin đính kèm:
Sưu tầm tin ThS Nguyễn Đào
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Bạn đánh giá website của bệnh viện chúng tôi như thế nào?
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.980.683
Truy cập hiện tại 195
Thời tiết
Chung nhan Tin Nhiem Mang