Khi thực hiện BV thông minh, các bác sĩ tuyến dưới có thể phẫu thuật dưới sự hướng dẫn trực tiếp từ các chuyên gia tuyến trên mà không cần phải chuyển viện bệnh nhân
Rút ngắn nhiều công đoạn
Dõi theo những bước phát triển của ngành y tế địa phương, những câu chuyện hàng ngày nơi đây được các lãnh đạo cơ sở y tế trên địa bàn bàn luận là về y tế thông minh, như "số hóa", bệnh án điện tử (EMR)... Chưa tiếp cận mô hình mẫu thực tế nhưng qua tìm hiểu, nghiên cứu, nhất là sự "đam mê" của người lãnh đạo, BV thị xã Hương Thủy từng bước xây dựng BV "không giấy", sau khi địa phương này hoàn tất việc tạo lập HSSKĐTTD.
Tại Khoa khám bệnh, BV Hương Thủy ứng dụng phần mềm trong quy trình KCB bằng công nghệ thông tin (CNTT) nhanh chóng. Chị Hoàng Thị Phú (Thủy Châu, Hương Thủy) chia sẻ, trước đây mỗi lần đến BV khám, chị phải đi sớm, chuẩn bị giấy tờ, sổ khám bệnh, nay BV thay đổi phương pháp lưu giữ, hồ sơ KCB của chị đã có sẵn trên hệ thống. “Giờ, tôi chỉ cần quét mã thẻ, chọn khoa, phòng cần khám là xong. Không phải làm thủ tục rườm rà, mất thời gian. Từ khi khám bệnh đến lúc nhận thuốc chỉ mất chừng 30 phút. Người bệnh được chăm sóc, hướng dẫn, giải thích rõ ràng, nhân viên rất nhiệt tình, thân thiện”. Chị Phú khen ngợi.
Còn ông Lê Văn Bốn (Lộc Bổn, Phú Lộc) cho rằng, BV Hương Thủy thay đổi nhiều, mọi thứ đều hiện đại, sạch đẹp. “Dịp trước tôi đến khám và cảm thấy rất hài lòng về dịch vụ của BV, lần này tái khám không cần phải làm thủ tục hay mang sổ sách giấy tờ gì, chỉ mang thẻ BHYT đến quét mã vạch và lấy số chờ, mọi thứ đều được công khai minh bạch từ số thứ tự, quy trình thủ tục, viện phí... đều được cập nhật trên màn hình cho người bệnh biết, nên tôi rất yên tâm”. Ông Lê Văn Bốn vui vẻ kể.
BV Phục hồi chức năng (PHCN) tỉnh là đơn vị đầu tiên của tỉnh hiện đang ứng dụng CNTT vào KCB. Theo ông Dương Thế Mạnh, cử nhân CNTT, Phòng Hành chính Quản trị - BV PHCN tỉnh, khi bệnh nhân vào BV đăng ký KCB, bệnh nhân được cấp thẻ từ sau đó check-in bấm số tự động, hệ thống sẽ thực hành luôn việc phân luồng bệnh nhân đến các phòng khám chuyên khoa và các thông tin của bệnh nhân được hiển thị trên màn hình tại phòng khám, điều trị. Điều này giúp bệnh nhân không tập trung vào các giờ cao điểm mà chia đều mọi thời gian trong ngày. Hệ thống này cũng sẽ ghi nhận cụ thể thời gian bệnh nhân đến các khâu. Nếu khâu nào chậm, thiếu nhân viên phục vụ, lãnh đạo dựa vào hệ thống phần mềm mà điều phối nhân viên kịp thời. Nhờ vậy, người dân cũng giảm thời gian chờ đợi.
Tiện ích cần sớm ra đời
Theo bác sĩ CK II Nguyễn Văn Vỹ, Giám đốc BV Hương Thủy, BV "không giấy", trong đó có EMR là mục tiêu đơn vị đang hướng đến. Để xây dựng EMR phải hình thành "4 trục", như hệ thống thông tin bệnh viện (HIS), hệ thống thông tin xét nghiệm (LIS), hệ thống thông tin chẩn đoán hình ảnh (RIS) và hệ thống lưu trữ, truyền tải hình ảnh (PACS).
Bác sĩ Vỹ phân tích, khi ứng dụng EMR giúp giảm các quy trình trong KCB ngoại trú, điều trị nội trú, giảm thời gian đi lại, chờ đợi phiền hà cho người bệnh. Ví dụ như quy trình chụp phim phổi, quy trình cũ một bệnh nhân đi khám phổi sẽ phải thực hiện qua 19 bước. Nếu ứng dụng EMR, chỉ còn 7 bước. Bác sĩ khám bệnh chỉ cần nhập yêu cầu vào phần mềm và chỉ định thẳng tới hệ thống máy chụp mà không cần qua bộ phận hành chính. Sau khi chụp, phim dưới dạng số hóa được chuyển thẳng đến bác sĩ chẩn đoán hình ảnh. Sau khi chẩn đoán hình ảnh trên máy, bác sĩ này bấm gửi đến bác sĩ khám bệnh. Kết thúc lượt khám bệnh, phim được lưu vào EMR của bệnh nhân để sử dụng cho lần sau và ở những bệnh viện khác nhau.
Bác sĩ cao cấp Nguyễn Quang Hiền, Giám đốc BV PHCN tỉnh cho rằng, triển khai EMR sẽ tiết kiệm đáng kể thời gian của người bệnh và y, bác sĩ. Các bác sĩ gần như có toàn bộ bệnh án của bệnh nhân chỉ sau vài phút thao tác trên máy vi tính, thậm chí bệnh nhân kháng thuốc gì, tiền sử bệnh ra sao... đều được hệ thống cảnh báo. Hơn nữa, nếu EMR được liên thông giữa các BV, giữa các tuyến, khi bệnh nhân chuyển tuyến, bác sĩ tuyến trên sẽ nắm được bệnh sử để đưa ra phương án điều trị tối ưu.
Ngoài ra, EMR sẽ loại bỏ bệnh án giấy mà mỗi năm một bệnh viện chuyên khoa thường chi phí in ấn hàng trăm triệu đồng. EMR sẽ kết nối hồ sơ quản lý sức khỏe bệnh nhân và sử dụng trong quản lý, giám định, thanh toán chi phí KCB bảo hiểm y tế...
(Còn tiếp)
Bài, ảnh: Minh Văn
=> Y tế thông minh trong tầm tay - Kỳ 1: Quản lý sức khỏe toàn dân
Nguồn: http://baothuathienhue.vn/y-te-thong-minh-trong-tam-tay-bai-2-tien-den-benh-vien-khong-giay-a75525.html