Năm 2016, ngày Thế giới phòng chống sốt rét hướng tới mục tiêu loại trừ sốt rét vào năm 2030 với chủ đề: “End Malaria For Good” - “Chấm dứt sốt rét cho cuộc sống tốt đẹp hơn”, tiếp nối những thành công lớn tạo ra bởi các mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ năm 2015 và điều quan trọng hơn, đây cũng là điểm khởi đầu để hướng tới các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs), giảm tới 90% số mắc sốt rét và số chết sốt rét trên phạm vi toàn cầu vào năm 2030.
Tại Việt Nam, chủ đề ngày Thế giới phòng chống sốt rét năm nay được Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng đưa ra là: “Nâng cao nhận thức trong phòng chống và điều trị bệnh sốt rét” với mục tiêu duy trì thành quả đạt được, đồng thời tạo sự bền vững trong công tác phòng chống sốt rét tiến tới loại trừ bệnh sốt rét.
Tại Thừa Thiên Huế, trong những năm gần đây, bệnh sốt rét trên địa bàn tỉnh luôn ở mức thấp nhất trong khu vực và thuộc những tỉnh/thành có số ca mắc thấp nhất trong cả nước. Cụ thể, năm 2015 toàn tỉnh có 55 ca, từ đầu năm 2016 đến nay ghi nhận 16 ca; tất cả đều là người dân địa phương đi làm ăn nơi khác (cụ thể có 08 ca làm vàng ở Quảng Nam và ở Lào, 08 ca làm ăn ở Angola, châu Phi) mắc bệnh rồi quay trở về. Cùng với số lượng người dân đi làm ăn xa có thể bị nhiễm bệnh quay trở về ngày càng đông thì vấn đề trên là một trong những khó khăn trong việc giảm số lượng bệnh và không để xảy ra ca tử vong do sốt rét trên địa bàn.
Tỉnh Thừa Thiên Huế là địa phương không có sốt rét lưu hành trong vài năm năm trở lại đây, không có ký sinh trùng sốt rét nội địa. Tuy nhiên, nguy cơ sốt rét có thể quay trở lại vì hàng năm vẫn có bệnh nhân sốt rét ngoại lai (đi làm ăn nơi khác mắc bệnh quay về) và vì sinh địa cảnh trong tương lai có thể có thay đổi sẽ làm các loài muỗi Anophen có khả năng truyền bệnh sinh sản và phát triển được, khi đó nếu có bệnh nhân sốt rét thì sẽ làm lây sốt rét cho những người khác, tức bệnh sốt rét nội địa.
Bệnh nhân sốt rét tại tỉnh Thừa Thiên Huế chủ yếu là di dân từ vùng có sốt rét đến hoặc là dân ở tỉnh nhà đi đến vùng có sốt rét, bị mắc bệnh rồi quay về. Vì vậy, biện pháp can thiệp sẽ là phát hiện, chẩn đoán, điều trị sớm bệnh nhân sốt rét để tránh tử vong và triệt nguồn ký sinh trùng ngoại lai. Ngoài ra, phải quản lý di dân biến động đi và về, truyền thông giáo dục sức khỏe và giám sát muỗi thường xuyên để sớm phát hiện sự xuất hiện loài muỗi Anophen có khả năng truyền bệnh sốt rét tại địa phương. Mỗi hộ gia đình, tự giác áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi đốt, mặc quần áo dài tay khi đi làm rẫy, làm rừng; ngủ màn…; diệt lăng quăng, diệt muỗi trong nhà, xung quanh nhà để đồng thời phòng ngừa cả những loài muỗi có khả năng truyền các bệnh khác như sốt xuất huyết, bệnh do vi rút Zika, viêm não Nhật Bản…; vệ sinh môi trường sống sạch sẽ.
Để phát hiện sớm và điều trị thích hợp bệnh nhân sốt rét nhằm tránh xảy ra tử vong điều quan trọng là các y bác sĩ tại các cơ sở y tế không được bỏ sót yếu tố dịch tễ khi có một người bị sốt hoặc chỉ ớn lạnh nhập viện. Yếu tố dịch tễ tức là tiền sử mắc bệnh sốt rét trước đó, hoặc đã từng đi vào vùng có sốt rét, hoặc đang sống trong vùng có sốt rét. Ngoài ra, cũng không nên bỏ sót việc lấy mẫu lam máu xét nghiệm tìm ký sinh trùng sốt rét ở những bệnh nhân nghi ngờ này.
Điều đặc biệt quan trong là cần dự phòng và điều trị đúng phác đồ quy định của Bộ Y tế để ngăn chặn và không để hiện tượng kháng thuốc xảy ra hôm nay và mai sau/
Tăng cường phát hiện trường hợp bệnh sốt rét tại các cơ sở y tế
Thống kê của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương trong 8 tuần đầu năm 2016, toàn quốc đã có 1.563 trường hợp bệnh sốt rét, 4 trường hợp sốt rét ác tính và 2 trường hợp tử vong. Nguyên nhân tử vong bởi sốt rét là do tuyến y tế cơ sở chủ quan, không lấy lam máu xét nghiệm tìm ký sinh trùng sốt rét, chẩn đoán muộn và điều trị không kịp thời.
|