Đánh giá hoạt động về hệ thống Y tế cơ sở trong những năm qua, ThS. BS CKII. Nguyễn Mậu Duyên - trưởng phòng Nghiệp vụ Y – Sở Y tế cho biết: Để nâng cao chất lượng hoạt động tuyến y tế cơ sở, đặc biệt trong giai đoạn từ năm 2005 cho đến hiện nay, ngành Y tế tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp:
- Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng và trang thiết bị y tế, trong đó rất chú trọng tuyến Y tế cơ sở . Đến giai đoạn hiện tại, có 100% cơ sở của Trạm y tế đã được tầng hóa kiên cố, được trang cấp thiết bị chuyên môn cơ bản (máy siêu âm, điện tim, máy xét nghiệm nước tiểu, kính hiển vi, máy phun hóa chất chống dịch...) và tất cả Trạm y tế đều có Bác sỹ, Y sỹ YHCT, Nữ hộ sinh… đảm bảo theo định biên quy định.
- Tăng cường nhân lực có trình độ chuyên môn công tác ngay tại tuyến Y tế cơ sở: triển khai kế hoạch tăng cường Bác sỹ công tác tại Trạm Y tế xã giai đoạn 2005-2008 theo Đề án của Sở Y tế, và tiếp tục hoạt động này theo Đề án 1816 của Bộ Y tế từ năm 2008 đến nay. Đề án đã làm nâng cao năng lực hoạt động và chất lượng chuyên môn của tuyến y tế cơ sở. Hiện tại 100% Trạm y tế đều có Bác sỹ công tác.
Kết quả đạt được tại tuyến Y tế cơ sở trong những năm qua rất đáng ghi nhận :
- Tất cả Trạm y tế đều tổ chức khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trạm cho các đối tượng Bảo hiểm y tế, trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo, gia đình chính sách...số lượng người bệnh khám tại Trạm Y tế tăng dần qua các năm. Đến thời điểm hiện tại số bệnh nhân đến khám điều trị ngoại trú tại Trạm y tế chiếm 46,4% so với toàn tỉnh, mặc dù chịu sự tác động của thông tuyến huyện từ tháng 01/2016.
- Các chương trình mục tiêu Y tế Quốc gia triển khai tại các Trạm y tế tiếp tục đạt và duy trì ở mức cao: Tiêm chủng đầy đủ trẻ em dưới 1 tuổi ước đạt 98,71% ; tiêm phòng uốn ván cho phụ nữ có thai đạt tỷ lệ 98,89% ; tiêm chủng cho phụ nữ 15-35 tuổi đạt 99,27%; Năm 2014 (cập nhật mới nhất hiện tại) số liệu điều tra suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi trên địa bàn toàn tỉnh ước đạt dưới 13%. Các chương trình phòng chống các dịch bệnh nguy hiểm đã được khống chế và trong nhiều năm không có dịch bệnh xảy ra
- 100% Trạm Y tế được trang bị máy vi tính và nối mạng Internet để triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành hoạt động y tế địa phương; bước đầu đã có huyện thực hiện giao ban trực tuyến giữa Trung tâm Y tế huyện và các Trạm y tế xã (TTYT huyện Phú Vang đã thực hiện giao ban trực tuyến).
- Về mô hình TYT lồng ghép phòng khám BSGĐ: Hiện nay có 05 phòng khám trên địa bàn tỉnh đang quản lý sức khỏe toàn diện cho 638 hộ với 2.538 khẩu. Đánh giá chung sau 3 năm hoạt động, mặc dù vẫn có những bất cập trong quá trình tổ chức nhưng đã đem lại lợi ích thiết thực cho mỗi cá nhân và hộ gia đình. Đây là giải pháp rất hiệu quả để chăm sóc sức khỏe, phát hiện sớm bệnh lý và can thiệp kịp thời, giảm biến chứng và giảm chi phí khám chữa bệnh. Hoạt động sẽ góp phần tích cực trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng ngay từ tuyến Y tế cơ sở.
Sáng 27/5/2016, đoàn Bộ Y tế và tổ chức WHO tiếp tục làm việc tại UBND tỉnh. Tham dự buổi làm việc, ngoài đoàn Bộ Y tế và tổ chức WHO còn có Ông Nguyễn Dung – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, giám đốc các TTYT có phòng khám BSGĐ và đại diện các ban ngành: Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, BHXH tỉnh...
Đánh giá về hệ thống Y tế cơ sở, Ông Lokky Wai, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh: Hệ thống Y tế cơ sở của tỉnh Thừa Thiên Huế là hệ thống có quy mô và vận hành hiệu quả. Trong nhiều năm qua, tỉnh đã chú trọng đến xây dựng cơ sở hạ tầng, trang cấp các trang thiết bị Y tế, đội ngũ nhân viên đáp ứng khá tốt về chuyên môn, nhờ vậy đã hoàn thành tốt chức năng nhiệm vụ của hệ thống Y tế cơ sở. Tuy nhiên, theo mô hình bệnh lý và nhu cầu hưởng các dịch vụ Y tế của người dân trong tương lai, hệ thống Y tế cơ sở cần tăng cường hơn các hoạt động:
- Về mô hình bệnh lý: bệnh không lây nhiễm đang dần chiếm ưu thế trong mô hình bệnh tật cộng đồng, các mục tiêu hoạt động Y tế cần chú trọng theo xu hướng này, trong đó rất chú trọng đến công tác dự phòng.
- Về năng lực chuyên môn: đội ngũ cán bộ Y tế cần được tiếp tục đào tạo cập nhật chuyên môn, và đặc biệt mỗi đơn vị cần tập trung cập nhật kiến thức ưu tiên theo nhóm bệnh thường gặp tại cơ sở đang công tác.
- Về quản lý và trao đổi thông tin: cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, giảm hơn nữa các thủ tục hành chính liên quan hồ sơ trên giấy tờ trong quản lý đối tượng. Phải trao đổi được 2 chiều giữa tuyến trên và tuyến dưới các vấn đề sức khỏe của mỗi người bệnh bằng công nghệ thông tin.
Kết luận chuyến công tác, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn đánh giá cao mô hình hoạt động tuyến Y tế cơ sở tỉnh Thừa Thiên Huế. Hoạt động Y tế đã có sự vào cuộc rất trách nhiệm của UBND tỉnh, các Ban ngành liên quan và hệ thống Y tế toàn ngành. Kết quả của đợt khảo sát thực tế lần này sẽ là căn cứ để Thứ trưởng đề xuất đến Bộ trưởng Bộ Y tế và các Bộ liên quan về những thay đổi cơ chế, chính sách để có những định hướng mở rộng hơn, đi sát thực tế hơn, thống nhất hơn để tuyến Y tế cơ sở ngày càng phát huy hiệu quả.
Một số hình ảnh chuyến công tác:
Đoàn công tác làm việc tại TYT Phong Sơn
Đoàn thăm bệnh nhân đang điều trị Đông Y tại TYT Phong Sơn
Đoàn thăm và làm việc tại TYT Phong Mỹ
Thứ trưởng Bộ Y tế trao đổi thông tin tại TYT Phong Mỹ
Lãnh đạo SYT và Đoàn làm việc tại TTYT Phong Điền
Giám đốc TTYT Phong Điền trao đổi thông tin về hoạt động Y tế trên địa bàn
Đoàn làm việc tại UBND tỉnh Thừa Thiên Huế
Trưởng đại diện tổ chức WHO trao đổi về YTCS tại UBND tỉnh
Thứ trưởng BYT và PCT UBND tỉnh kết luận tại Hội nghị
Tin và ảnh ThS Nguyễn Thanh Sơn