Việc điều trị thuốc kháng virus cho người nhiễm HIV/AIDS không chỉ đem lại lợi ích cho bản thân người nhiễm có được cuộc sống có chất lượng, kéo dài tuổi thọ mà còn có tác dụng điều trị dự phòng lây nhiễm HIV cho cộng đồng. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay về điều trị thuốc ARV cho người nhiễm HIV/AIDS, đang đối mặt với khó khăn về nguồn thuốc bởi lẽ hiện có 95.752 bệnh nhân trong đó 91156 người lớn và 4.596 trẻ em đang được điều trị thuốc ARV, nguồn thuốc điều trị này đang phụ thuộc vào sự tài trợ của các tổ chức quốc tế và đến năm 2017 kết thúc việc tài trợ. Do vậy, Bộ Y tế ban hành thông tư 15/2015/TT-BYT hướng dẫn thực hiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với người nhiễm HIV và người sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS sẽ đảm bảo việc tiếp tục điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS để có thể hướng đến mục tiêu điều trị 90-90-90 của Liên hiệp quốc.
Bảo hiểm y tế giúp cho người nhiễm HIV/AIDS tránh được bẫy đói nghèo do các chi phí khám bệnh, chữa bệnh liên quan đến HIV/AIDS và khám chữa các bệnh khác. Nhiều nghiên cứu gần đây ở Việt Nam cho thấy, tỷ lệ người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế chỉ từ 15 - 55% tùy theo từng địa phương, tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ bình quân người có thẻ bảo hiểm Y tế trong cộng đồng (khoảng 65%). Với bệnh nhân là người nhiễm HIV/AIDS có thẻ bảo hiểm y tế, khi khám chữa bệnh được bảo hiểm y tế chi trả các dịch vụ khám và điều trị như những bệnh nhân bình thường khác. Bảo hiểm y tế không chi trả cho các dịch vụ khám chữa bệnh nếu bệnh nhân khám và điều trị tại các cơ sở y tế không thuộc phạm vi hợp đồng khám chữa bệnh của bảo hiểm y tế. Hiện nay, vì nhiều lý do khác nhau, tỷ lệ người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế sử dụng thẻ này khi khám chữa bệnh nội trú hoặc ngoại trú rất thấp.
Những lý do người nhiễm HIV/AIDS không tiếp cận và sử dụng bảo hiểm y tế trong khám chữa bệnh có thể kể đến là: do dịch vụ điều trị HIV/AIDS đang được các dự án hỗ trợ, do vậy cả hệ thống bảo hiểm y tế và người nhiễm HIV/AIDS chưa sẵn sàng tham gia và sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; Người nhiễm HIV/AIDS chưa được cung cấp đầy đủ thông tin về sự cần thiết của bảo hiểm y tế để tiếp cận để được tiếp cận khám và điều trị bệnh nói chung cũng như với HIV/AIDS nói riêng; Người nhiễm HIV/AIDS chưa tin tưởng vào quyền lợi khi tham gia bảo hiểm y tế; Một số người nhiễm HIV/AIDS không có khả năng chi trả mua thẻ bảo hiểm y tế; Do sợ bị lộ danh tính, bị kỳ thị phân biệt đối xử; Nhiều cơ sở khám chữa bệnh về HIV/AIDS không đủ điều kiện để đăng ký khám chữa với cơ quan bảo hiểm y tế nhất là các cơ sở y tế thuộc hệ y tế dự phòng, trong khi đó khoảng 50% người nhiễm HIV/AIDS đang điều trị tại các cơ sở y tế này. Mặt khác, thiếu một số các quy định và hướng dẫn cụ thể việc chi trả dịch vụ khám và điều trị HIV/AIDS qua quỹ bảo hiểm y tế.
Tại Thừa Thiên Huế, tỷ lệ người nhiễm tiếp cận việc điều trị thuốc ARV khá cao chiếm 94% trong số người nhiễm HIV/AIDS đang còn sống, đa phần các điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS được sự hỗ trợ của dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS. Thuốc ARV hoàn toàn cấp phát miễn phí, thuốc điều trị nhiễm trùng cơ hội cũng vậy. Tuy nhiên, có một số thuốc dự án hỗ trợ không kịp thời thì thực hiện xã hội hóa. Chương trình điều trị còn hỗ trợ xét nghiệm định kỳ tế bào CD4, công thức máu, men gan, xét nghiệm HIV, các xét nghiệm sinh hóa khác và xét nghiệm đo tải lượng virus. Do đó, mặc dù tỷ lệ người nhiễm có thẻ bảo hiểm y tế khoảng 60 - 70%, Việc sử dụng bảo hiểm y tế trong chăm sóc sức khỏe của người nhiễm còn hạn chế.
Nhằm để triển khai thực hiện thông tư 15/2015/TT-BYT hướng dẫn thực hiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với người nhiễm HIV và người sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS, trong thời gian qua Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Thừa Thiên Huế đã kiện toàn cơ sở điều trị HIV/AIDS tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực sẵn có sẵn sàng tham gia công tác khám, điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS.
Trong thời gian tới khi có văn bản chỉ đạo sau Hội nghị triển khai Thông tư 15/2015/TT-BYT của Bộ Y tế, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tiếp tục tham mưu Sở Y tế bổ sung dịch vụ điều trị HIV/AIDS vào gói dịch vụ chung được bảo hiểm y tế chi trả đối với các đơn vị đã có hợp đồng với bảo hiểm y tế. Đối với phòng khám ngoại trú tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS đơn vị sẽ chuẩn bị các thủ tục trình Sở y tế để ký kết hợp hợp đồng bảo hiểm y tế là phòng khám chuyên khoa để có thể chi trả cho người điều trị HIV/AIDS tham gia bảo hiểm y tế.
Một số hoạt động khác sẽ được quan tâm thực hiện để đảm bảo tính tiếp cận dịch vụ của bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế bao gồm tăng cường các cơ sở điều trị HIV/AIDS đủ điều kiện cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; tạo thuận lợi cho người bệnh về các thủ tục khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và tính đảm bảo tính bảo mật thông tin. Đồng thời cũng đảm bảo chất lượng dịch vụ điều trị như cung ứng đủ thuốc điều trị bao gồm ARV và đảm bảo các dịch vụ lâm sàng nằm trong danh mục chi trả của bảo hiểm y tế.
Ngoài ra, duy trì sự tham gia của bệnh nhân đã có thẻ bảo hiểm y tế; đảm bảo các đối tượng hưởng chính sách từ ngân sách nhà nước hỗ trợ tham gia đầy đủ bảo hiểm y tế và vận động các đối tượng khác tham gia mua bảo hiểm y tế.
Với sự nỗ lực đồng bộ của các cơ sở y tế cung cấp dịch vụ điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS và người nhiễm tự nguyện tham gia bảo hiểm y tế sẽ góp phần tạo hiệu quả cho công tác phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Thừa Thiên Huế hướng tới kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.
Một số hình ảnh hoạt động
Thăm hỏi, tặng quà người nhiễm