Tìm kiếm tin tức
danh mục
bottom

Hồ sơ sức khỏe điện tử

Ý nghĩa chính trị xã hội và nhân văn của "Ngày thương binh liệt sỹ 27/7"
Ngày cập nhật 20/07/2016

   Cách mạng tháng tám 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời chưa được bao lâu thì thực dân Pháp âm mưu trở lại xâm lược nước ta. Núp sau quân Anh - Ấn, chúng trắng trợn gây nên những vụ xung đột vũ trang ở nhiều nơi thuộc Nam Bộ, Trung Bộ. Tiếp đó, khi vào thay thế quân đội Tưởng Giới Thạch ở Bắc Bộ, thực dân Pháp gây ra những vụ bắn phá giết hại dân ta ở Hải Phòng, Hà Nội mở đường cho việc xâm lược cả nước ta một lần nữa.

   Kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng, giữ gìn độc lập, tự do, quân và dân ta ở những nơi thực dân Pháp gây hấn đã chiến đấu anh dũng, chặn bàn tay đẫm máu của thực dân xâm lược. Trong cuộc chiến đấu này, một số chiến sĩ, đồng bào ta bị thương và hi sinh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã giành tình yêu thương của mình, góp phần chăm sóc các gia đình liệt sĩ, anh em thương binh, bệnh binh một cách tận tình chu đáo.

   Đầu năm 1946, “Hội giúp binh sĩ tử nạn” sau đổi tên “Hội giúp binh sĩ bị thương” được thành lập ở Thuận Hoá (Bình Trị Thiên), ở Hà Nội và một số nơi khác. Hồ Chủ tịch là hội trưởng danh dự của hội.

   Ngày 28/5/1946, “Hội giúp binh sĩ bị nạn” tổ chức một cuộc nói chuyện quan trọng tại nhà hát thành phố Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự. Ngày 7/11/1946, cũng tại nhà hát thành phố Hà Nội, buổi quyên góp ủng hộ quần áo giày mũ cho chiến sĩ ngoài mặt trận đã được tổ chức, mở đầu cho cuộc vận động “Mùa đông chiến sĩ”. Tại đây Hồ Chủ Tịch đã cởi chiếc áo rét của Người đang mặc để tặng binh sĩ.

   Ngày 19/12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, chiến tranh lan rộng ra nhiều vùng. Số người bị thương, hy sinh tăng lên, đời sống của chiến sĩ, nhất là những chiến sĩ bị thương gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Trong tình hình ấy, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định nhiều chính sách quan trọng về công tác thương binh liệt sĩ, góp phần ổn định đời sống tinh thần và vật chất của thương binh, gia đình liệt sĩ trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

   Ngày 16 tháng 8 năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức ký Sắc lệnh số 20/SL, quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh liệt sĩ đối với cuộc kháng chiến và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đến thương binh, bệnh binh và gia đình Liệt sỹ.

   Ngày 27 tháng 7 năm 1947, Ngày thương binh toàn quốc, mở đầu bằng cuộc mít tinh quan trọng đã được diễn ra tại xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, có khoảng 2.000 người tham gia. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi tặng một chiếc áo lụa, một tháng lương và một bữa ăn của nhân viên trong Phủ Chủ tịch.Tại đây ban tổ chức lễ mít tinh đã trịnh trọng đọc thư của Hồ Chí Minh. Trong thư, Hồ Chí Minh có viết: Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mảđền chùanhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp. Cha mẹanh emvợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe doạ. Của cảiruộng nương, nhà cửa,ao vườnlàng mạc ta bị nguy ngập. Ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta? Đó là những chiến sĩ mà nay một số thành ra thương binhThương binh là những người đã hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí đó bị ốm yếuVì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy,…”

   Từ năm 1947, ngày Thương binh được tổ chức thường kỳ hàng năm. Năm nào vào dịp này, chủ tịch Hồ Chí Minh cũng có thư và quà gửi cho các thương binh, gia đình liệt sĩ, đồng thời nhắc nhở mọi người phải biết ơn và hết lòng giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ

   Sau thắng lợi to lớn nhưng cũng kèm theo nhiều thương vong ở chiến dịch Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954. Chính phủ và chủ tịch Hồ Chí Minh càng quan tâm hơn đến công tác thương binh, liệt sỹ. Và từ năm 1955, ngày 27 tháng 7 ngày Thương binh được đổi thành ngày Thương binh Liệt sĩ.

   Nhân dịp kỉ niệm 50 năm ngày thương binh liệt sĩ (27/7/1947-27/7/1997) tại xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, nơi chứng kiến sự ra đời của ngày Thương binh toàn quốc. Bộ Lao động - Thương binh và xã hội cùng Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã khánh thành khu kỉ niệm 27/7 và dựng bia kỉ niệm với nội dung được khắc trên bia: “Nơi đây, ngày 27 tháng 7 năm 1947, 300 cán bộ, bộ đội và đại diện các tầng lớp nhân dân địa phương họp mặt nghe công bố bức thư của Bác Hồ, ghi nhận sự ra đời của ngày Thương binh, liệt sĩ

   Vào ngày 12/7/1997 địa danh xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên chính thức được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử Quốc gia. Hiện nay, hàng năm vào dịp ngày 27/7, trong cả nước diễn ra nhiều hoạt động long trọng kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sĩ. Trong dịp này từ trung ương đến địa phương đều tổ chức các đoàn lãnh đạo đảng, chính quyền, đoàn thể đến thăm, tặng quà cho các gia đình thuộc diện chính sách, viếng nghĩa trang liệt sỹ và nhiều hoạt động ý nghĩa khác

   Theo Pháp lệnh ưu đãi người có công số 26/2005/PL-UBTVQH, người có công với cách mạng bao gồm: Người hoạt động cách mạng trước ngày 01-01-1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 01-01-1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19-8-1945; Liệt sĩ; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động; Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; Bệnh binh; Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế; Người có công giúp đỡ cách mạng; Thân nhân của người có công với cách mạng.

   Một số hình ảnh hoạt động ngành y tế tỉnh Thừa Thiên Huế hướng về Ngày Thương binh - Liệt sĩ

Khám chữa bệnh, tặng quà cho các gia đình thuộc diện chính sách

Thăm nhà thờ Liệt sĩ, Giáo sư Bác sĩ Đặng Văn Ngữ

Dâng hương tại nghĩa trang liệt sĩ phường Hương Hồ, Thị xã Hương Trà

   Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa”, ngay từ những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp (năm 1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định chọn ngày 27-7 là ngày Thương binh - Liệt sĩ, nhằm tôn vinh và tỏ lòng biết ơn đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công. Hồ Chủ tịch đã nói: “Thương binh, bệnh binh, gia đình bộ đội, gia đình liệt sỹ là những người có công với Tổ quốc. Bởi vậy bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, thương yêu và giúp đỡ họ”. Vì vậy, chăm sóc, ưu đãi người có công với cách mạng có ý nghĩa chính trị, xã hội to lớn và trở thành một nguyên tắc được ghi nhận trong Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Điều 67 Hiến pháp năm 1992 quy định: “Thực hiện tốt các chính sách ưu đãi với người có công với nước, vận động toàn xã hội tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, nâng cao mức sống về mặt vật chất tinh thần của người có công”. Đây là yếu tố nhằm thực hiện sự tiến bộ và công bằng xã hội, góp phần ổn định chính trị, thúc đẩy sự nghiệp đổi mới phát triển.

   Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đối với thương binh, bệnh binh, liệt sỹ và gia đình liệt sỹ, người và gia đình có công giúp đỡ cách mạng. Chính sách này gắn liền với việc thực hiện chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, liên quan đến đời sống hàng ngày của hàng triệu người có công.

   Ngoài ra, liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính đã ban hành nhiều thông tư hướng dẫn thực hiện chính sách ưu đãi, chăm sóc người có công với nước. Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt trong việc chăm sóc người có công với Nước. Hiện cả nước có trên 8,8 triệu đối tượng người có công được hưởng trợ cấp một lần và hàng tháng. Mỗi năm, Nhà nước đã dành gần 26.000 tỷ đồng để thực hiện các chế độ ưu đãi cho người có công với cách mạng.

   Để thực hiện tốt chính sách đối với người có công, trong thời gian tới, cần thực hiện một số giải pháp sau:

   Một là, thấm nhuần tư tưởng, quan điểm của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính sách pháp luật của Nhà nước về chăm sóc đối với người có công, tiếp tục ban hành các văn bản, quyết định, chỉ thị phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương; phải phối hợp thường xuyên, chặt chẽ giữa các ngành chức năng trong quá trình thực thi chính sách đối với người có công.

   Hai là, tiếp tục hoàn thiện chính sách để khắc phục các hạn chế, ngăn ngừa đối tượng lợi dụng chính sách để gian lận chiếm hưởng chế độ. Nhiều vấn đề cần được bổ sung như: hướng dẫn việc xác nhận thương binh, liệt sỹ trong điều kiện hoàn cảnh mới, thực hiện ưu đãi người hoạt động cách mạng trước năm 1945 và từ năm 1945 đến trước tổng khởi nghĩa 19-8-1945. Một số chế độ ưu đãi về giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe, dụng cụ chỉnh hình phục hồi chức năng, chế độ trợ cấp… cũng cần được sửa đổi, bổ sung để việc ưu đãi xã hội được đồng bộ, đầy đủ và có tính khoa học, hợp lý, tránh tạo kẽ hở dễ phát sinh tiêu cực.

   Ba là, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách bảo đảm đủ phẩm chất, đạo đức, năng lực chuyên môn; đủ khả năng tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với người có công.

   Bốn là, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cần thường xuyên phối hợp với các bộ, ban, ngành có liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các sai phạm trong lĩnh vực thực hiện chính sách đối với người có công, đồng thời kiến nghị xử lý kỷ luật những cán bộ có sai phạm hoặc thiếu trách nhiệm trong việc lập và xác nhận hồ sơ.

   Năm là, các cơ quan bảo vệ pháp luật tăng cường phát hiện, kiên quyết đưa ra khởi tố và xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án vi phạm chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước đối với người có công, bảo đảm tính răn đe để phòng ngừa tiêu cực xảy ra.

 

 

Phan Đăng Tâm - Giám đốc TTTTGDSK tỉnh (Tổng hợp)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Bạn đánh giá website của bệnh viện chúng tôi như thế nào?
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.982.748
Truy cập hiện tại 12
Thời tiết
Chung nhan Tin Nhiem Mang