Người mẹ nhiễm HIV có thể truyền HIV cho con:
- Khi mang thai: HIV từ máu của mẹ nhiễm HIV qua rau thai để vào cơ thể thai nhi.
- Khi sinh: HIV từ nước ối, dịch tử cung, dịch âm đạo của mẹ xâm nhập vào trẻ khi sinh (qua niêm mạc mắt, mũi, hậu môn hoặc da sây sát của trẻ trong quá trình đẻ). Khi sinh HIV cũng có thể từ trong máu mẹ thông qua các vết loét ở cơ quan sinh dục mẹ mà dính vào cơ thể (niêm mạc) của trẻ sơ sinh.
- Khi cho con bú: HIV có thể lây qua sữa hoặc qua các vết nứt ở núm vú người mẹ, nhất là khi trẻ đang có tổn thương ở niêm mạc miệng hoặc khi trẻ mọc răng cắn núm vú chảy máu.
Việc dự phòng sớm lây truyền HIV cho phụ nữ là quan trọng để không bị nhiễm HIV thông qua hoạt động thông tin, giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi, tư vấn và xét nghiệm HIV cho phụ nữ, khuyến khích trì hoãn quan hệ tình dục đối với thanh thiếu niên, thực hành tình dục an toàn và phát hiện sớm để điều trị kịp thời các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục. Đối với phụ nữ mang thai, để tránh những lo lắng về tình trạng nhiễm HIV của mình nên đến cơ sở y tế để được tư vấn xác định nguy cơ và nếu có nguy cơ bị lây nhiễm HIV thì nên làm xét nghiệm HIV. Tốt nhất nên đi xét nghiệm HIV sớm khi bắt đầu mang thai hoặc trong ba tháng đầu của thai kỳ, để nếu có nhiễm HIV thì sẽ được điều trị dự phòng kịp thời tránh làm lây truyền HIV sang con.
Ở nước ta tỷ lệ nhiễm HIV ở phụ nữ mang thai là 0,35% - 0,5% trong số 1.5 triệu bà mẹ sinh con mỗi năm như vậy sẽ có khoảng 6000 bà mẹ mang thai nhiễm HIV. Tỷ lệ lây truyền nếu không nếu không được can thiệp trung bình là 30 - 35%. Khả năng lây truyền HIV từ mẹ sang con xảy ra trong thời kỳ mang thai: 5 - 10%; trong thời kỳ chuyển dạ sinh con: 10 - 20%; trong thời kỳ cho con bú: 10 - 15%. Như vậy mỗi năm sẽ có khoảng 2000 trẻ bị nhiễm HIV.
Đối với TT. Huế mỗi năm có khoảng 20.000 bà mẹ sinh con với tỷ lệ nhiễm ước tính chung của toàn quốc sẽ có khoảng 70 bà mẹ mang thai nhiễm HIV, có khả năng sinh ra 25 trẻ nhiễm HIV mỗi năm. Việc triển khai dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con là cần thiết hướng đến hạ thấp tỷ lệ nhiễm HIV cho con, trong những năm qua Chương trình dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, góp phần hạn chế tình trạng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.
Công tác truyền thông về DPLTMC được triển khai đến tận y tế thôn/bản. Đặc biệt, vào tháng 6 hàng năm “Tháng Cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con”, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS đã tham mưu Sở Y tế xây dựng kế hoạch hoạt động, tổ chức hội nghị triển khai để cơ sở y tế thực hiện. Trong đó, chú trọng đến việc phối hợp và vận động sự tham gia của chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể tại cơ sở... Hoạt động truyền thông trực tiếp tại trạm y tế, lồng ghép qua các buổi họp thôn/bản/tổ dân phố, giao lưu trong ngày Quốc tế Phụ nữ, được thể hiện qua nhiều hình thức phong phú và phát thanh trên hệ thống loa truyền thanh của xã/phường.
Công tác tư vấn xét nghiệm HIV và theo dõi, chăm sóc thai sản cho phụ nữ mang thai (PNMT) được thực hiện ngay từ những tháng đầu tiên của thai kỳ tại trạm y tế. Ở thành phố Huế, những năm từ 2000 - 2014 được sự hỗ trợ của Dự án Quỹ toàn cầu Phòng, chống HIV , việc lấy máu được thực hiện ngay tại các trạm Y tế. Nhờ vậy, giúp các bà mẹ mang thai nhiễm HIV được phát hiện sớm để có biện pháp dự phòng kịp thời, hàng năm số PNMT xét nghiệm HIV gia tăng rõ rệt.
Công tác chăm sóc và điều trị cho bà mẹ mang thai nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ họ: từ năm 2009 - 2016 có 53 phụ nữ nhiễm HIV mang thai sinh con, tất cả mẹ và trẻ đều được điều trị thuốc dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con thích hợp. Các trẻ phơi nhiễm đều được xét nghiệm PCR (Polymerase Chain Reaction - phản ứng chuỗi men) vào tuần thứ 4 - 6 để chẩn đoán sớm nhiễm HIV. Kết quả có 51 trẻ xét nghiệm âm tính; 02 trẻ dương tính do mẹ đi làm ăn xa, đến ngày sinh mới trở về địa phương để chuẩn bị cho cuộc “vượt cạn” nên không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Các trẻ phát hiện nhiễm HIV đều được chuyển đến Khoa Nhi - Bệnh viện TW Huế và các cơ sở y tế khác để được theo dõi và điều trị ARV, không có trường hợp mất dấu. Ngoài ra, tại Khoa Sản - Bệnh viện TW Huế đã triển khai gói dịch vụ chăm sóc toàn diện DPLTMC. Các TTYT huyện/thị xã khác tổ chức điều trị dự phòng khẩn cấp lây nhiễm HIV từ mẹ sang con cho. Ngoài ra, để hạn chế lây truyền HIV trong thời kỳ cho con bú, đã có 19 trẻ được cấp sữa đến 6 tháng tuổi do dự án Quỹ Toàn cầu tài trợ.
Mặt khác, các hoạt động DPLTMC được lồng ghép với chương trình chăm sóc sức khoẻ sinh sản; chẩn đoán, điều trị các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục; can thiệp kế hoạch hoá gia đình khi phụ nữ nhiễm HIV không có nhu cầu sinh con, những phụ nữ nhiễm HIV được tư vấn các biện pháp can thiệp trước, trong và sau sinh để sinh con an toàn và được hướng dẫn về lợi ích cũng như những nguy cơ lây nhiễm HIV khi cho trẻ bú, khi vệ sinh, chăm sóc trẻ và tổ chức một hệ thống quản lý và chăm sóc thích hợp tại nhà.
Người phụ nữ mang thai nhiễm HIV khi điều trị dự phòng lây truyền mẹ con được tư vấn về lợi ích của điều trị thuốc ARV, tuân thủ tuyệt đối điều trị (uống thuốc đủ liều, theo đúng thời gian chỉ định), tư vấn việc khám thai và lĩnh thuốc định kỳ. Đặc biệt, tư vấn tuân thủ điều trị phải tiến hành song song với quá trình điều trị. Thực hiện chặt chẽ quá trình như vậy thì mục tiêu loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con có thể đạt được, phụ thuộc vào nhận thức và hành động của người mẹ, sự hỗ trợ các thành viên trong gia đình và sự thông cảm, sẻ chia của toàn xã hội.
Với những kết quả đạt được trong chương trình DPLTMC rất đáng khích lệ. Đây là chương trình có ý nghĩa nhân văn hết sức cao cả, mang lại cho bà mẹ một đứa con khoẻ mạnh hoàn toàn không nhiễm HIV, đó là ước mơ, niềm vui và hạnh phúc của mọi gia đình và cả cộng đồng.
Một số hình ảnh về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con
1. Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sớm
2. Xét nghiệm HIV sớm ở trẻ em
₋ Lấy mẫu máu giọt máu khô (DBS - Dry Blool Sample)
₋ Xét nghiệm PCR
3. Điều trị sớm