Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2017, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, trong năm 2016, ngành y tế đã đạt được nhiều kết quả về đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của nhân viên y tế đối với người bệnh. Chỉ số cải cách hành chính của Bộ do Chính phủ công bố đã tăng 9 bậc so với 2015, từ xếp thứ 17/19 bộ, ngành lên thứ 8/19 bộ, ngành. Ngành y tế cũng sản xuất thành công vaccine phối hợp sởi-rubella và dự kiến đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng từ năm 2017. Ngành cũng đã điều chỉnh giá dịch vụ y tế tại 36 tỉnh, thành phố. Mở rộng mạng lưới bệnh viện vệ tinh đến các tỉnh, thành phố trên cả nước với 22 bệnh viện hạt nhân và 98 bệnh viện vệ tinh, góp phần giảm quá tải cho các Bệnh viện tuyến dưới. Năm 2016 cũng là năm có em bé đầu tiên ra đời bằng phương pháp mang thai hộ. Đến nay có hơn 30 trường hợp đã sinh con trong số 200 hồ sơ mang thai hộ được duyệt và thực hiện...
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, trong năm 2016, hệ thống các cơ sở y tế chưa đáp ứng được nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Trong đó, hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu còn hạn chế, cơ sở vật chất tuyến dưới còn nghèo nàn, nhân lực còn thiếu và yếu về chất lượng, nên người dân chưa tin tưởng. Việc kiểm soát các yếu tố hành vi nguy cơ đến sức khỏe, dự phòng, phát hiện sớm các bệnh không lây nhiễm chưa cao; tình hình ngộ độc thực phẩm còn diễn biến phức tạp, khó kiểm soát; tình trạng quá tải bệnh viện vẫn còn tồn tại…
Vì vậy, để quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định, trong năm 2017, Bộ sẽ tăng cường công tác quản lý Nhà nước và điều hành ngành y tế. Trong đó sẽ kiện toàn hệ thống tổ chức y tế địa phương, tăng cường mạng lưới y tế cơ sở và chăm sóc sức khỏe ban đầu. Đẩy mạnh việc chuyển giao kỹ thuật, đào tạo liên tục, đào tạo qua thực hành, hướng dẫn chuyên môn cho y tế cơ sở; thực hiện chế độ luân phiên hai chiều phù hợp với điều kiện của từng địa phương, đồng thời tiếp tục đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh...
Trong năm 2017 và những năm tiếp theo, ngành y tế sẽ tiếp tục tập trung thực hiện 9 nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2016-2020. Các nhiệm vụ trọng tâm của ngành bao gồm: Phát triển y tế cơ sở; giảm quá tải bệnh viện, nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh; đẩy mạnh công tác y tế dự phòng phù hợp với tình hình mới; phát triển nguồn nhân lực y tế, tăng cường nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ. Đồng thời, tiếp tục đổi mới toàn diện thái độ, phong cách phục vụ của cán bộ y tế; tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính từ huy động, phân bổ đến sử dụng hiệu quả nguồn tài chính y tế; tập trung đổi mới, củng cố và hoàn thiện hệ thống tổ chức y tế từ Trung ương đến địa phương; đổi mới mô hình tổ chức, quản lý an toàn thực phẩm, dược, vaccine, sinh phẩm và trang thiết bị y tế; tăng cường và đặc biệt quan tâm việc nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe.
Tại điểm cầu thành phố Huế
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nỗ lực của toàn ngành y tế trong việc đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng dịch vụ góp phần chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, xây dựng niềm tin và thực hiện trong trách cao cả của ngành như Bác Hồ đã dạy. Ngành đã có bước chuyển biến mạnh mẽ và tích cực trong việc nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực y tế. Trong bối cảnh đất nước có nhiều khó khăn nhưng những chỉ tiêu của đất nước hoàn thành có công lao đóng góp rất lớn của ngành y tế. Thủ tướng ghi nhận những thành quả đó là:
1. Lĩnh vực y tế dự phòng đã có những nỗ lực vượt bật, không để dịch bệnh lớn xảy ra sau lũ lụt; triển khai đồng loạt các giải pháp nhằm giảm quá tải của bệnh viện, chất lượng khám chữa bệnh ngày càng được nâng cao; cơ sở vật chất được tăng cường; trình độ chuyên môn của y bác sĩ nâng lên thông qua đào tạo, luân chuyển cán bộ. Việc cải cách thủ tục hành chính đã gắn liền với nâng cao y đức.
2. Những Giáo sư tiến sĩ ngành y có trình độ và tay nghề ngang tầm quốc tế, được thế giới ghi nhận. Cơ sở vật chất hiện đại được đầu tư không những ngành y tế nhà nước mà còn cả trong hệ thống y tế tư nhân.
3. Nhiều tấm gương phòng bệnh, khám chữa bệnh cho người nghèo và vùng sâu vùng xa là những điểm sáng và mang tính nhân văn sâu sắc.
4. Ngành đã chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật mới được áp dụng trong lĩnh vực khám chữa bệnh và nghiên cứu khoa học.
5. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 81% vượt xa mục tiêu mà chính phủ đề ra trước 4 năm. Tỷ lệ BHYT toàn dân cao không những mang tính nhân văn sâu sắc mà còn thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa mà đảng, nhà nước ta đã và đang hướng tới.
6. Đổi mới tài chính, kinh tế y tế theo hướng tính đúng, tính đủ song song với lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân.
7. Công tác quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm đã có nhiều tiến bộ.
8. Ngành đã tổ chức mua sắm tập trung đấu thầu thuốc quốc gia.
9. Ngành y tế đã phát động được tinh thần biết ơn, phục vụ bệnh nhân bước đầu có chuyển biến.
Thủ tướng nhấn mạnh, muốn cùng với Chính phủ xây dựng một nhà nước liêm chính, kiến tạo, phục vụ nhân dân, ngành y tế cần khắc phục, đổi mới cung cách quản lý nhà nước và nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra nhiều hạn chế, khó khăn, thách thức mà ngành y tế đang phải đối mặt, đó là:
1. Tình trạng quá tải của bệnh viện chưa được giải quyết kịp thời, triệt để.
2. Một số sự cố y khoa đáng tiếc xảy ra do làm sai quy trình đã ảnh hưởng niềm tin của người dân đối với ngành.
3. Quản trị bệnh viện còn nhiều bất cập xảy ra những sự việc không đáng có.
4. Cải cách thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh chưa đạt yêu cầu, văn minh bệnh viện chưa được chú trọng.
5. Việc xây dựng bệnh viện tuyến dưới còn chậm tiến độ.
6. Quản lý dược phẩm và trang thiết bị y tế còn nhiều bất cập và mang lợi ích nhóm.
7. Công tác quản lý BHYT còn nhiều sai sót gây thất thoát.
8. Nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác an toan vệ sinh thực phẩm.
9. Mô hình tuyến tỉnh, huyện chưa thống nhất, nhiều trạm y tế hoạt động còn nhiều bất cập.
10. Một bộ phận nhỏ cán bộ y tế còn vô cảm trước nỗi đau người bệnh.
Thủ tướng giao nhiệm vụ cho ngành y tế trong thời gian tới cần phải:
1. Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động, trọng tâm vẫn là y tế cơ sở; đổi mới phong cách thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Các cơ sở y tế, bệnh viện đổi mới theo các mô hình tiên tiến. Thực hiện nghiêm công khai chất lượng bệnh viện; tăng cường chất lượng xét nghiệm, liên thông và công nhận kết quả xét nghiệm của cơ sở y tế các tuyến.
2. Đẩy mạnh xây dựng bệnh viện, chú trọng nguồn nhân lực và trang thiết bị tốt.
3. Tập trung xây dựng phát triển cơ sở y tế, đặc biệt quan tâm tạo điều kiện cho sự phát triển hệ thống y tế ngoài công lập.
4. Phối hợp với ngành Giáo dục đào tạo và các ngành liên quan để có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực y tế trình độ cao, tăng cường cho nông thôn, hải đảo, vùng sâu, vùng xa.
5. Đẩy nhanh tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân. Đổi mới cơ sở y tế công lập và cơ chế tài chính cùng với nâng cao chất lượng dịch vụ; quan tâm hỗ trợ người nghèo và yếm thế. Đổi mới công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh để góp phần chống tiêu cực,
6. Ngành y tế liên quan đến sức khỏe người dân. Vì vậy cần hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh thanh tra và tăng cường tuyên truyền giáo dục sức khỏe cho người dân.
7. Phát triển công nghiệp dược và y học cổ truyền. Xây dựng luật dược, phát triển sản xuất vaccin và tăng cường hợp tác quốc tế.
8. Khẩn trương trình trung ương đề án nâng cao chất lượng dân số.
Báo cáo tại hội nghị của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng như phát biểu chỉ đạo mang tính định hướng cao của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho thấy những thành quả đáng khích lệ cũng như những khó khăn của ngành y tế trong thời gian tới. Điều này đòi hỏi nỗ lực bền bĩ, vượt khó và sáng tạo của tất cả cán bộ lãnh đạo và nhân viên ngành y tế cần vượt qua để góp phần bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày một tốt hơn.