1. Công tác phòng chống Lao của Việt Nam đã được quốc tế ghi nhận:
- Việt Nam có kết quả điều trị bệnh Lao rất tốt. Hàng năm cả nước đã phát hiện và điều trị cho trên 100.000 người mắc Lao với tỷ lệ chữa khỏi cao trên 90% trường hợp mắc mới.
- Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam là một trong 3 nước có kế hoạch nghiên cứu được đánh giá cao. Đặc biệt, Việt Nam đã có một đơn vị nghiên cứu chuyên sâu với một mạng lưới nghiên cứu lao và bệnh phổi rộng khắp và chia sẻ những định hướng nghiên cứu quan trọng, như nghiên cứu dịch tễ bệnh lao lần thứ 2 sau 10 năm tiến hành vào năm 2017 với ngân sách trên 2 triệu USD được tài trợ của Quỹ toàn cầu 1,2 triệu và CDC, USAID, ngân sách nhà nước.
- PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương đã là người Việt Nam đầu tiên được bầu vào Hội đồng tư vấn chiến lược và kỹ thuật của WHO về phòng chống bệnh lao (STAG TB) – cơ chế điều hành và hoạch định chiến lược phòng chống lao cao nhất của WHO.
- Dịch tễ bệnh Lao giảm trung bình hàng năm là 4,6 % từ năm 2000 đến nay. Hầu hết các kỹ thuật mới đều đã được áp dụng có hiệu quả cao và đến nay đã có gần 6000 người mắc Lao kháng thuốc được thu nhận điều trị. CTCLQG đã triển khai thuốc mới Bedaquiline cho người bệnh Lao kháng thuốc nặng (tiền siêu kháng thuốc, siêu kháng thuốc) và áp dụng phác đồ ngắn hạn (9 tháng) trong điều trị người bệnh lao đa kháng thuốc.
- Nhiều kỹ thuật mới, đột phá được áp dụng hiệu quả như kỹ thuật geneXpert chỉ trong 2 giờ có thể trả lời có vi khuẩn lao hay không, nhiều hay ít và có kháng với thuốc rifampicine hay không với độ nhậy rất cao độ đặc hiệu rất cao tương đương kỹ thuật nuôi cấy (phải mất 2-4 tháng theo phương pháp truyền thống), mặt khác thao tác thực hiện đơn giản đến mức có thể thực hiện ngay tại tuyến huyện. Hiện nay đã có 112 máy Gene Xpert trên cả nước.
2. Việt Nam thúc đẩy Chiến lược kết thúc bệnh Lao toàn cầu:
- Ngày 24/1, bên lề cuộc họp Ban Chấp hành Đại Hội đồng Y tế Thế giới mà Việt Nam là thành viên từ năm 2016, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng đoàn Việt Nam đã gặp giáo sư Mario Raviglione, Giám đốc Chương trình chống lao toàn cầu của WHO tại Geneva để bàn về những việc quan trọng nhất trong Chiến lược kết thúc bệnh Lao tại Việt Nam và trên toàn thế giới.
- Dự kiến, hai bên sẽ phối hợp tổ chức Đối thoại chính sách về Lao & Lao kháng đa thuốc trong khuôn khổ Hội nghị APEC diễn ra vào tháng 8 năm 2017 tới. Tại đây, Việt Nam dự kiến sẽ tổ chức cuộc họp đối thoại chính sách với chủ đề: Tăng cường công tác phòng chống Lao và Lao kháng thuốc trong các nước APEC. Hội thảo nhằm mục tiêu chia sẻ các bằng chứng khoa học và thực tiễn làm tiền đề cho tiến trình kết thúc bệnh Lao; Thách thức và cơ hội của các giải pháp khoa học công nghệ trong kiểm soát Lao và Lao kháng thuốc hiện nay; Đồng thuận về cam kết chính trị, chính sách xã hội, đầu tư và khung hợp tác giữa các nền kinh tế để kết thúc bệnh Lao trong các nước APEC.
3. Việt Nam – một trong ba nước đi đầu chiến lược kết thúc bệnh Lao trên toàn cầu gồm: Việt Nam, Brazil, Nam Phi:
- Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá cao về công tác phòng chống Lao của Việt Nam, đặc biệt là việc lồng ghép các chương trình đào tạo. Các nội dung đào tạo chính được cán bộ phòng chống lao quan tâm ở các tuyến từ trung ương, tuyến huyện, tuyến cơ sở gồm: quản lý chương trình, trong đó chú trọng đến vấn đề quản lý chất lượng toàn diện, lập kế hoạch; Dịch tễ học bệnh lao; Quản lý bệnh lao; Phối hợp y tế công tư; Lao đa kháng thuốc…
- Ngày 14/11/2016 đã diễn ra Hội nghị về đào tạo chuyên ngành Lao và bệnh Phổi – tạo sự đồng thuận trong việc chuẩn hóa các vấn đề cấp thiết cho công tác đào tạo chuyên ngành Lao và bệnh Phổi của Việt Nam. “Để kết thúc bệnh Lao và phòng chống bệnh phổi tốt hơn, chúng ta cần một nguồn nhân lực chuyên nghiệp với ý chí thống nhất” theo PGS. TS Nguyễn Viết Nhung
4. Kiểm soát lây nhiễm Lao hiệu quả từ chiến lược FAST:
- Việt Nam đang hướng đến mục tiêu không còn bệnh lao vào năm 2030. Để nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân và giảm nguồn lây cho cán bộ y tế và cộng đồng, từ năm 2014 đến nay, Dự án TB CARE II phối hợp với Chương trình chống lao quốc gia (CTCLQG) triển khai Chiến lược FAST tại BV Lao & Bệnh phổi tỉnh Nam Định và BV Phạm Ngọc Thạch tỉnh Quảng Nam. Chiến lược FAST đã góp phần phát hiện nhiều ca bệnh lao kháng đa thuốc và lao phổi được chẩn đoán với bằng chứng vi khuẩn học và rút ngắn thời gian từ lấy mẫu tới điều trị các ca bệnh từ trên 10 ngày năm 2013 xuống còn 3-5 ngày. Từ đầu năm 2016, CTCLQG đã áp dụng tiếp cận thực hành chiến lược FAST trong chẩn đoán lao phổi dương tính tại Khoa Lao hô hấp của BV Phổi Trung ương, với mục tiêu chẩn đoán và bắt đầu điều trị trong vòng 36 giờ.
5. Đã xây dựng được Mạng lưới phòng chống bệnh lao từ trung ương đến địa phương: Ít quá tải ở tuyến Trung ương – đây là bài học cho các chuyên ngành khác của y tế: Chuẩn hóa kỹ thuật tuyến trung ương – chuyên khoa hóa tại tuyến tỉnh – lồng ghép quản lý và thực hành xử trí tốt tại tuyến cơ sở - lấy người bệnh làm trung tâm. Cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh hàng năm cho hơn 100.000 người bệnh, tránh được cho nhiều chục ngàn người không bị chết vì bệnh Lao.Đã phát hiện và điều trị thường quy lao đa kháng thuốc và cả lao siêu kháng thuốc với công nghệ mới và phác đồ thuốc mới.
6. Truyền thông: Qua báo chí, truyền hình, fanpage chính thức của chương trình chống Lao quốc gia trên mạng xã hội facebook. Tổ chức các cuộc thi: MISS TB, cuộc thi ảnh “Việt Nam quyết tâm chiến thắng bệnh Lao”… để truyền tải thông điệp phòng chống Lao đối với cán bộ y tế và nhân dân. Đã có Đại sứ thiện chí phòng chống Lao Á Hậu Thụy Vân.
7. Hợp tác quốc tế: CTCLQG có truyền thống lâu đời về hợp tác quốc tế vận động nguồn lực với 25 đối tác quốc tế thường xuyên hợp tác cả về kỹ thuật và hỗ trợ tài chính, đó là WHO và các đối tác của WHO, ĐH Sydney, UCSF Hoa Kỳ, Hà Lan, Pháp… WHO hỗ trợ Việt Nam xây dựng mô hình điểm thực hiện Chiến lược thanh toán bệnh Lao. Việt nam tham gia mạng lưới nghị sỹ phòng chống Lao.
8. Cung ứng thuốc và hậu cần đầy đủ: Đảm bảo cung ứng thuốc hàng 1 hàng 2 đầy đủ và có chất lượng cho hơn 100 ngàn bệnh nhân, 2500 bệnh nhân lao đa kháng và hàng trăm bệnh nhân lao siêu kháng hàng năm. Các vật tư trang thiết bị hiện đại nhất đã được sử dụng tại Việt Nam.
9. Nguồn tài chính được đảm bảo: Chính phủ và Bộ Y tế cấp ngân sách tăng lên hàng năm và qua đó vận động được hỗ trợ quốc tế từ Quỹ toàn cầu với gần 60 triệu Đô la và công thêm 20 triệu đô ngân sách khuyến khích vì thực hiện có hiệu quả nguồn viện trợ. Trong 3 năm 2015-2017 được phê duyệt là 42 triệu Đô la. Các tổ chức đối tác khác cũng đã hỗ trợ kinh phí và kỹ thuật đáng kể. Tuy còn thiếu hụt so với kế hoạch, nhưng đã đảm bảo được về cơ bản.
10. Nguồn nhân lực ngày càng phát triển từ tuyến trung ương đến địa phương, với kế hoạch đột phá về đào tạo, phối hợp viện, trường, hội chuyên ngành và có 4 chuyên gia tham gia các hội đồng của WHO các cấp.
11. Thông tư về quản lý, cung ứng phân phối thuốc chống Lao. Thay đổi trong luật dược hạn chế bản lẻ thuốc chống Lao. Thông tư hướng dẫn khám chữa bệnh lao cho người có thẻ bảo hiểm y tế (ưu tiên tiêp cận, ưu tiên chi trả)
12. Đã có cơ sở số liệu khá xác thực làm tiền đề cho hoạch định chính sách, kế hoạch cũng như vận động quốc tế. (VINCOTB-06, 4 lần điều tra kháng thuốc lao toàn quốc, …)
13. Tăng cường công tác phòng chống Lao khu vực Tây Nam Bộ: Ngày 10/1/2017 tại TP Cần Thơ đã diễn ra Hội thảo tăng cường công tác phòng chống Lao khu vực Tây Nam Bộ. Mục tiêu của Hội thảo đó là:Báo cáo với các đồng chí lãnh đạo Ban chỉ đạo miền TNB, Lãnh đạo Bộ Y tế, các đ/c Lãnh đạo UBND tỉnh, Các Sở Y tế về thực trạng công tác chống lao tại khu vực miền TNB, những khó khăn thách thức và thống nhất đề xuất kế hoạch, đề án can thiệp tích cực để có thể giảm nhanh hơn dịch tễ bệnh lao khu vực TNB.
14. Những cơ hội:
- Nền tảng/tiền đề Chiến lược vững chắc: Chiến lược thanh toán bệnh Lao toàn cầu đã được Đại Hội đồng Y tế thế giới phê duyệt năm 2014 mở ra một thời đại mới “chấm dứt bệnh lao” thay vì “ngăn chặn bệnh lao” như trước đây.
- Sự ủng hộ quan tâm của Đảng, Chính phủ đặc biệt là Bộ Y tế, Chương trình Mục tiêu Y tế dân số năm 2016 đã tăng ngân sách cho chương trình Lao 20%, ban hành Quyết định về thuốc chống lao, Thông tư 02 phối hợp y tế công tư, Thông tư 04 thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT liên quan đến khám chữa bệnh Lao,…., sự hỗ trợ của các nhà tài trợ quốc tế (QTC, USAID, CDC, WHO, CHAI, KNCV,…), hiện nay CTCLQG có khoảng 40 đối tác trong nước và quốc tế, đội ngũ chuyên môn giỏi từ trung ương đến địa phương, trung ương có thành viên STAG, 3 thành viên trong nhóm chuyên gia của các lĩnh vực kỹ thuật của WHO, mạng lưới chặt chẽ với truyền thông lâu đời, hoạt động có hiệu quả.
- Cơ hội triển khai mở rộng các kỹ thuật, công nghệ chẩn đoán mới, phác đò thuốc mới cho nhiều bệnh nhân, và nhiều cơ hội khác cho phép nghĩ đến Chấm dứt bệnh Lao ở Việt Nam: Sáng 12/1/2017 tại Bệnh viện Phổi trung ương đã diễn ra cuộc họp giới thiệu về thuốc Delamanid giữa CTCLQG và nhóm chuyên gia đến từ CHAI, FIT, The Union, KNCV và Công ty dược phẩm Otsuka. Cuộc họp đã thảo luận những rủi ro tiềm ẩn khi giới thiệu sử dụng thuốc theo chương trình của Delamania, sự hỗ trợ của Otsuka trong việc triển khai thuốc Delamanid – thuốc dành cho bệnh Lao phổi đa kháng.
- Ngày 24-2-2016, Dự án lao quốc gia phối hợp với tổ chức PATH và Johnson & Johnson ra mắt Dự án “Hơi thở Cuộc sống” nhằm tăng cường dự phòng, phát hiện và điều trị bệnh lao cho trẻ em ở Việt Nam
- CTCLQG đã được TB REACH phê duyệt Dự án tên gọi là ZERO TB VIETNAM – Đoàn kết các đối tác và tổ chức xã hội và cộng đồng trong việc mở rộng và tối ưu hóa một mô hình chăm sóc bệnh nhân Lao toàn diện trong 6 thành phố ở Việt Nam.
15. Hơn 2/3 chương trình chống Lao/TP đã thành lập Ban chỉ đạo triển khai Chiến lược quốc gia phòng chống Lao đến 2020, tầm nhìn 2030
II/ Bên cạnh những thành tựu, vẫn tồn tại những khó khăn, thách thức đó là:
1. Tình trạng bỏ trị hiện đang ở mức báo động và có xu hướng gia tăng và gây khó khăn lớn cho công tác điều trị và phòng chống bệnh Lao tại cộng đồng. Tình trạng Lao đa kháng thuốc chủ yếu được xác định là do người bệnh điều trị không đúng, không đủ, không tuân thủ chỉ định của bác sỹ; thầy thuốc không đủ thời gian để tư vấn cho bệnh nhân, và chưa hỗ trợ tích cực cho người bệnh. Lao kháng thuốc – cuộc chiến nhiều thách thức:
2. Dịch tễ bệnh Lao cao, vẫn còn 16.000 người chết vì Lao hàng năm: Việt Nam hiện là nước đứng thứ 14/30 nước có số bệnh nhân Lao cao nhất trên thế giới, và đứng thứ 11/30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất trên toàn cầu. Mỗi năm có khoảng 130.000 người mắc Lao mới, trong đó có 7000 người mắc Lao đồng nhiễm HIV, hơn 5000 bệnh nhân lao đa kháng thuốc, đáng lo ngại là có gần 6% là Lao siêu kháng thuốc. Số người mắc Lao phổi chiếm hơn 1/2. Tuy nhiên, theo báo cáo WHO global report 2016, chỉ có 79% số người mắc được phát hiện, tư vấn, điều trị và quản lý. 21% còn lại vẫn tồn tại trong cộng đồng mà không được điều trị, khống chế nguồn lây.
3. Bệnh Lao tồn tại hàng nghìn năm và vi khuẩn lao đã được biết đến 134 năm. Thế nhưng, căn bệnh này vẫn chưa được khống chế do nhiều nguyên nhân. Trước hết phải kể đến người nhiễm Lao mắc thêm bệnh nhiễm trùng cơ hội, điển hình là HIV. Y học coi HIV và lao như cặp bài trùng bởi virus HIV làm giảm hệ thống miễn dịch của cơ thể, vi khuẩn lao nhân cơ hội này bùng phát, diễn biến nặng nề hơn, đặt ra nhiều vấn đề trong chẩn đoán, điều trị.
4. Hiểu biết của người dân về bệnh Lao và cách phòng chống Lao còn hạn chế, xã hội còn kỳ thị bệnh nhân Lao dẫn đến người bị bệnh thường giấu bệnh; đa số bệnh nhân Lao đều là người nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn, ít được tiếp cận các phương tiện truyền thông nên chưa có ý thức phòng chống, hạn chế lây lan bệnh ra cộng đồng.
5. Tổ chống Lao tuyến huyện, thị xã, thành phố trình độ chuyên môn không đồng đều nên công tác phòng, chống Lao còn hạn chế, nhất là vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, sự phối hợp giữa bệnh viện đa khoa và các trung tâm y tế chưa tốt, chất lượng xét nghiệm chưa đạt yêu cầu.
6. Công tác phòng chống Lao chưa được xã hội hóa cao; kinh phí cho hoạt động của chương trình phòng chống Lao còn hạn chế. Để đạt được mục tiêu đẩy tỷ lệ mắc Lao xuống còn 20 trường hợp trên 100.000 dân, chương trình kiểm soát lao toàn quốc cần phải có ít nhất 66 triệu USD (tương đương 1,5 nghìn tỷ đồng) mỗi năm. Hiện tại, chương trình này mỗi năm tiêu tốn tới 26 triệu USD (tương đương 572 tỷ đồng), trong đó 19 triệu USD là vốn tài trợ nước ngoài.
7. Chính quyền các cấp, đoàn thể, và cộng đồng còn chưa quan tâm đúng về công tác chống Lao. Cần có đột phá về truyền thông
8. Khó khăn về chế độ đãi ngộ đối với cán bộ y tế CTCL và cơ sở y tế tư nhân tham gia hoạt động phối hợp y tế công tư - PPM tại các tỉnh. Nguồn nhân lực thiếu hụt và không ổn định ở các tuyến, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở.
9. Hoạt động Vận động – Truyền thông – Huy động xã hội (ACSM) thiếu kinh phí
10. Sự hợp tác để phát hiện lao, lao trẻ em giữa CTCLQG và các cơ sở PPM, nhi khoa chưa thường xuyên và chưa hiệu quả.
11. Chính sách và pháp luật chưa đủ mạnh:
- Không quản lý được thuốc chống Lao trôi nổi trên thị trường, người dân vẫn có thói quen tự chữa bệnh mà không cần thầy thuốc
- Luật khai báo các ca bệnh theo Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm số 03/2007/QH12 chưa được thực hiện nghiêm túc.
- Việt Nam không có luật kiểm dịch. Trong ổ dịch bệnh lao kháng thuốc năm 1990 ở New York, Mỹ, các cơ quan chức năng đã tiến hành cách ly các bệnh nhân bỏ dở phác đồ điều trị. Tuy nhiên, ở Việt Nam, những người này lại gần như không phải cách ly.
12. Mặc dù có được sự quan tâm, ưu tiên lớn từ Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Y tế nhưng CTCLQG hiện nay không còn là Chương trình quốc gia mà thuộc Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số, vì vậy các địa phương chưa thấy hết tầm quan trọng của công tác phòng chống Lao
III/ Định hướng:
- Cần phải thay đổi các chính sách, chế độ khám chữa bệnh đối với người nghèo, đặc biệt là các bệnh nhân Lao phổi. Trong năm nay sẽ ra mắt quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh Lao→ khuyến khích các địa phương triển khai theo hướng như vậy
- Xây dựng đề án trình chính phủ “Đề án can thiệp tích cực giảm tác hại của bệnh Lao, tiến đến thanh toán bệnh lao ở Việt Nam”.
- Phối hợp với Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng “Đề án đoàn kết toàn dân thanh toán bệnh Lao”.
- Thành lập Ban chỉ đạo triển khai Chiến lược phòng chống Lao tại các tỉnh là bắt buộc, cần đạt 100% các tỉnh có kế hoạch chiến lược phòng chống lao giai đoạn 2016 – 2020, tầm nhìn 2030 được UBND tỉnh /TP phê duyệt → Tăng cường vai trò của các lãnh đạo chương trình chống Lao các tỉnh/TP
- Đẩy mạnh các hoạt động phát hiện thường quy, phát hiện chủ động dựa vào quản lý điều trị trong chương trình chống Lao, các bệnh nhân lao và lao kháng đa thuốc. Chú trọng chất lượng quản lý điều trị, giảm bỏ trị.
- Duy trì và mở rộng phối hợp Lao/HIV, Lao và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, Lao kháng đa thuốc, Lao trẻ em, Lao trong các trại giam, phối hợp y tế công - tư…
- Tăng cường năng lực cho phòng Chỉ đạo tuyến tỉnh; Tăng cường hệ thống xét nghiệm, nhất là kỹ thuật xét nghiệm Gene Xpert.
- Tăng cường công tác vận động, truyền thông và huy động xã hội tại các tuyến của hệ thống y tế nhằm nâng cao nhận thức về bệnh Lao và huy động sự tham gia của cộng đồng trong công tác phòng chống Lao.
- Tăng cường triển khai nghiên cứu khoa học, các thử nghiệm thuốc, phác đồ điều trị và thí điểm các mô hình sáng kiến mới trong công tác phòng chống lao.
- Đảm bảo tốt cung ứng thuốc, vật tư, và trang thiết bị.
- Hướng dẫn, hỗ trợ địa phương triển khai Thông tư 04/2016/TT-BYT quy định về khám bệnh, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế liên quan đến chi phí khám bệnh, chữa bệnh lao, đảm bảo người nghi lao, bệnh nhân lao đễ dàng tiếp cận với các dịch vụ phòng chống lao và được hưởng chế dộ bảo hiểm y tế
- Vận động xây dựng Luật phòng chống Lao
IV/ Slogan và các chủ đề:
Slogan:
Đoàn kết toàn dân chiến thắng bệnh Lao
Đổi mới tư duy của mỗi người để kiểm soát bệnh Lao tốt hơn
Vì người nghèo vào lúc họ cần
Chủ đề:
1. Hãy chung tay vì một Việt Nam không còn bệnh lao.
2. Chữa khỏi bệnh Lao là quyền lợi nhưng cũng là trách nhiệm của người bệnh, không để lây lan cho cộng đồng.
3. Không ai đáng phải chết vì bệnh Lao, đặc biệt là trẻ em
4. Bệnh Lao sẽ được chữa khỏi hoàn toàn và tránh lây lan cho cộng đồng nếu người bệnh được phát hiện sớm và điều trị đúng cách.
5. Tôi không sợ bệnh Lao, tôi sợ sự xa lánh và vô cảm của xã hội!
6. Không lây Lao, hãy lây lòng nhân ái!
7. Xóa bỏ mặc cảm, loại trừ kỳ thị!
8. Ở đâu có tình thương với bệnh nhân Lao, ở đó không có bệnh Lao.
9. Chiến thắng bệnh Lao, chiến thắng đói nghèo!
10. Tôi không thể, bạn không thể, chúng ta thì có thể!
11. Chấm dứt lây lan, nâng cao sức khoẻ, chia sẻ yêu thương!
12. Một nút like không tạo nên sự thay đổi nhưng một bàn tay thì có thể
13. Sáng tạo hơn trong việc gây quĩ phòng chống bệnh Lao, tăng cường tất cả các nguồn lực ở mọi cấp trong công tác phòng chống Lao.
14. Một tin nhắn gửi triệu nghĩa tình tới bệnh nhân Lao nghèo
15. Bênh Lao – nguyên nhân của nghèo đói dai dẳng và trở ngại đối với phát triển kinh tế
16. Đầu tư phòng chống Lao là đầu tư cho sự phát triển bền vững xã hội
17. Tuân thủ phác đồ điều trị của người bệnh – yếu tố quyết định sự thành bại của việc kiểm soát, loại trừ bệnh Lao
18. Đổi mới tư duy – chính sách – tiếp cận – đầu tư – truyền thông tiến tới thanh toán bệnh Lao
19. Tăng cường cam kết chính trị - đầu tư nguồn lực của địa phương cho công tác phòng chống Lao
20. Mắc Lao không có tội, giấu bệnh – không tuân thủ điều trị - kỳ thị xa lánh người bệnh Lao mới là có tội
21. Người nghèo, người không nghèo và 2,5 lần nguy cơ bệnh Lao
V/ Gợi ý các hoạt động truyền thông:
1. Hội thảo, Mít tinh diễu hành, chạy bộ, sử dụng phương tiện giao thông (ô tô, xe máy, xe đạp),..
2. Báo chí, phát thanh, truyền hình
3. Facebook, website
4. Phát hành tài liệu truyền thông (Billboard, Tờ rơi, banner, poster, tranh ảnh cổ động, in áo đồng phục/áo mưa/mũ/sổ/ô…)
5. Video/phóng sự/Tọa đàm
6. Thăm và tặng quà bệnh nhân
7. Sử dụng mạng viễn thông (nhắn tin ủng hộ bệnh nhân Lao)