Trên môi trường mạng xã hội, người dùng có thể giao lưu và chia sẻ thông tin một cách có hiệu quả, vượt ra ngoài những giới hạn về không gian và thời gian. Người dùng thường sử dụng và chia sẻ rất nhiều thông tin trên mạng xã hội mà ít có sự đề phòng nào. Mỗi một cá nhân dùng mạng xã hội có vai trò như một nhà báo, một nhà biên tập…và là tổng biên tập của trang mạng cá nhân của mình, chính vì vậy bản thân người đó phải “Chịu trách nhiệm về nội dung thông tin do mình lưu trữ, cung cấp, truyền đưa trên mạng xã hội, phát tán thông tin qua đường liên kết trực tiếp do mình thiết lập” (Điều 26 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP quy định về Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội)
Thời gian gần đây liên tục nhiều cá nhân bị xử phạt hành chính vì hành vi “Thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; quy kết tội danh khi chưa có bản án của Tòa án” (khoản 8 điều 9, Luật báo chí 2016); có thể điểm qua một số sự vụ tiêu biểu mà báo chí đã đăng tải gần đây, như :
- Vụ đăng thông tin sai sự thật về giáo viên ở Hà Tĩnh, chủ tài khoản Facebook 'Nguyễn Liên' bị cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông xử phạt vi phạm hành chính 20 triệu đồng đối với ông Nguyễn Liên - chủ trang facebook Nguyễn Liên. (Nguồn: Báo Điện Tử Đắk Nông, ngày 7/12/2016- Tác giả : Bảo Ngọc)
- Vụ đối tượng bịa tin bắt cóc trẻ em ở Đà Nẵng rồi đăng lên facebook nhằm thu hút sự chú ý của nhiều người để việc bán hàng qua mạng được thuận lợi đã bị công an xử phạt 12,5 triệu đồng. (Nguồn :Báo điện tử người lao động - Thứ 4, 19/7/2017 – Tác giả : V. Quyên)
- Vụ Trần Tuấn Vĩnh (26 tuổi), cung cấp nội dung thông tin sai sự thật về Bia Hà Nội trên facebook bị xử phạt vi phạm hành chính 12.500.000đ (Nguồn: Báo điện tử ANTV ngày 01/9/2016- Tác giả :BT)
- Vụ một nữ sinh lớp 12 trường THPT Kiến Tường (Long An) cho biết mình bị kỷ luật khiển trách, cuối năm bị hạ hạnh kiểm từ tốt xuống còn trung bình, vì “chê” bệnh viện khu vực trên Facebook.(Báo tuổi trẻ online, ngày 01/6/2017, tác giả : Sơn Lâm)
Và còn rất nhiều trường hợp khác nữa…
Có nhiều lý do để nhiều người muốn thể hiện mình trên mạng xã hội như: muốn trở nên nổi tiếng, muốn có nhiều người like và nhiều người có mưu đồ riêng,… nhưng đôi khi đơn giản chỉ để giải stress… Nhiều người đã không ngờ những mẩu tin, những dòng trạng thái thiếu chuẩn mực… có thể làm phát sinh hậu quả pháp lý khủng khiếp. Tùy theo mức độ nghiêm trọng của tính chất nội dung nguồn tin đăng tải gây ra mà cá nhân có thể bị xử lý ở mức độ nặng hay nhẹ, từ nhắc nhở cảnh cáo, xử phạt hành chính, cho đến lĩnh án tù.
Vậy làm thế nào để sử dụng mạng xã hội mang lại lợi ích thiết thực mà không bị vi phạm pháp luật? Người dùng mạng xã hội phải hiểu biết và chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật; cụ thể cần chú ý một số nội dung cơ bản đã được hệ thống pháp luật của Việt Nam qui định để tránh những sai lầm không đáng có do thiếu hiểu biết về pháp luật:
- Hiến pháp năm 2013 :
Theo Hiến pháp 2013, tại khoản 1 Điều 20 đã quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.
- Bộ luật Dân sự :
Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 cũng khẳng định: “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là quyền nhân thân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ”.
- Luật Báo chí 2016 :
Tại khoản 8 điều 9. Các hành vi bị nghiêm cấm “Thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; quy kết tội danh khi chưa có bản án của Tòa án”.
- Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng :
Theo điểm d, khoản 1, Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 “Pháp luật nghiêm cấm hành vi lợi dụng việc sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân, tùy theo mức độ vi phạm, tính chất của hành vi mà người vi phạm sẽ bị xử lý”.
- Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện :
- Về xử lý hành chính:
+ Tại điểm g Khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 Theo đó, người có hành vi: cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác sẽ bị xử phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
+ Tại điểm a Khoản 3 Điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013; Hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng .
- Về xử lý hình sự :
Những hành vi bôi nhọ danh dự nhân phẩm của người khác một cách nghiêm trọng nói trên có thể cấu thành hai tội hình sự:
+ Tội vu khống (Điều 122 BLHS) : “Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”.
Ở đây người sử dụng mạng xã hội cần chú ý hành vi dễ mắc phải đó là lan truyền những thông tin mà mình biết rõ thông tin đó là do bịa đặt, không đúng sự thật. Việc loan truyền này có thể bằng nhiều hình thức khác nhau như: Sao chép gửi đi cho nhiều người qua message (tin nhắn), chuyển đường link, đăng status (trạng thái), comment (lời bình) trên facebook...
+ Tội làm nhục người khác (Điều 121 BLHS).
Hãy có cách nhìn và sử dụng mạng xã hội một cách đúng đắn để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra; Là công dân của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, mỗi chúng ta phải biết thượng tôn pháp luật, “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”./.