Tìm kiếm tin tức
danh mục
bottom

Hồ sơ sức khỏe điện tử

Phòng, chống bệnh Mác-bớc
Ngày cập nhật 19/11/2024

     Bệnh Mác-bớc (Margbug) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, thường được phát hiện ở các nước Châu Phi và Tây Sahara. Người mắc bệnh Mác-bớc sẽ phải cách ly nghiêm ngặt, hiện chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu, tỉ lệ tử vong cao. Bệnh có khả năng lây truyền cao qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết của người mắc. Đây là bệnh đặc biệt nguy hiểm, được phân loại thuộc nhóm A trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Virus Mác-bớc gây ra bệnh gì?

     Giống với Ebola, virus Mác-bớc gây sốt xuất huyết, người bệnh sẽ sốt cao đột ngột và chảy máu ở nhiều bộ phận của cơ thể, gây sốc, suy tạng và tử vong nhanh. Hiện nay, bệnh chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu. Đây là bệnh đặc biệt nguy hiểm, khả năng lây truyền và tỷ lệ tử vong cao tới 50%, có thể lên tới 88%, bệnh được phân loại thuộc nhóm A trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm của nước ta.

Đường lây truyền virus Mác-bớc

     Ổ chứa tự nhiên ở loài dơi ăn quả (Rousettusaegyptiacus), bệnh có thể lây truyền từ động vật (dơi, động vật linh trưởng) sang người, bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết cơ thể (nước tiểu, mồ hôi, nước bọt, chất nôn, sữa mẹ, tinh dịch …) hoặc với môi trường/vật dụng bị ô nhiễm bởi dịch tiết của người mắc/chết do virus Mác-bớc. Virus Mác-bớc lây truyền sang người từ dơi ăn quả châu Phi thông qua nhiều cơ chế khác nhau, cụ thể:

     - Tiếp xúc lâu dài với phân hay chất tiết của dơi Rousettus. Một khi người bị nhiễm virus nếu tiếp xúc trực tiếp (da trầy xước hay niêm mạc) với máu, chất tiết, tạng hay tiếp xúc gián tiếp dịch cơ thể ngay cả trên bề mặt hay dụng cụ (quần áo, ga giường) bị lây nhiễm dịch tiết hay tiếp xúc với thực phẩm nhiễm virus.

     - Virus Mác-bớc cũng có thể lây truyền qua đường tình dục thông qua việc tiếp xúc với tinh dịch của người đã khỏi bệnh.

     - Ngoài ra, virus Mác-bớc cũng được truyền cho thai nhi qua nhau thai. Ở phụ nữ mang thai, virus Mác-bớc có thể tồn tại trong nhau thai và nước ối. Đối với phụ nữ đang cho con bú, nếu bị nhiễm Mác-bớc, virus có thể tồn tại trong sữa mẹ.

     Đối tượng dễ mắc virus Mác-bớc là người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, đặc biệt là các thành viên trong gia đình chăm sóc họ tại nhà hoặc nhân viên bệnh viện. Tuy nhiên, virus Marburg không lây nhiễm trong thời gian ủ bệnh.

 Triệu chứng khi nhiễm virus Mác-bớc

     Thời gian ủ bệnh từ 2-21 ngày, khởi phát với các triệu chứng sốt cao, đau đầu, đau họng, khó chịu, mệt mỏi dữ dội và đau cơ khởi phát đột ngột, sau đó có thể xuất hiện tiêu chảy, đau bụng, chuột rút, buồn nôn, nôn, xuất huyết. Tình trạng tiêu chảy có thể kéo dài cả tuần. Nghiêm trọng hơn là vàng da, viêm tụy, sụt cân nhanh, mê sảng, sốc, suy gan, xuất huyết ồ ạt và rối loạn chức năng đa cơ quan. Trong giai đoạn này người bệnh trông giống “thây ma” với gương mặt thất thần, vô cảm với mắt thâm quầng, trũng sâu. Ngoài ra, bệnh có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh: lú lẫn, kích thích, và kích động. Bệnh nhân có thể có sẩn hồng ban ở ngực, lưng, bụng trên và có thể bị viêm tinh hoàn. Đáng lo ngại, bệnh Mác-bớc có thể gây tử vong sau 7-8 ngày khởi phát bệnh do mất máu hay sốc.

Cách điều trị nhiễm vi rút Mác-bớc

     Hiện chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu bệnh do virus Mác-bớc. Tổ chức Y tế thế giới khuyến nghị việc chăm sóc hỗ trợ sớm, điều trị theo triệu chứng, bổ sung chất điện giải, duy trì tình trạng oxy và huyết áp, xử lý các yếu tố đông máu và xuất huyết là cách cải thiện tỷ lệ sống sót cho người bệnh.

Các biện pháp phòng bệnh Mác-bớc như sau:

     - Tránh tiếp xúc hoặc đến nơi cư trú của loài dơi ăn quả châu Phi, động vật hoang dã bị nhiễm virus như: khỉ, linh dương rừng, loài gặm nhấm…

     - Không ăn thịt của động vật hoang dã.

     - Nấu chín kỹ thực phẩm trước khi ăn, nhất là các loại thịt.

     - Phát hiện sớm và cách ly nhanh chóng hệ thống các ca bệnh.

     - Truy vết kịp thời những người có tiếp xúc với người nhiễm Mác-bớc và giám sát chặt chẽ những người có nguy cơ cao nhiễm bệnh.

     - Hạn chế tiếp xúc với người nghi nhiễm hoặc bị nhiễm virus Mác-bớc, đặc biệt mặc áo bảo hộ, đeo găng tay, khẩu trang, mắt kính, rửa tay thường xuyên … nếu tiếp xúc với người bệnh.

     - Thận trọng với các chất thải như máu, bãi nôn, nước bọt, nước tiểu, phân… hoặc bất cứ đồ vật nào của người bệnh.

     - Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, nam giới sau khi khỏi bệnh cần đợi ít nhất 12 tháng mới nên quan hệ tình dục an toàn, trừ khi xét nghiệm tinh dịch của người đã khỏi bệnh cho kết quả âm tính trong 2 lần khác nhau.

CN Hồ Thị Huệ (Tổng hợp)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Bạn đánh giá website của bệnh viện chúng tôi như thế nào?


Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.009.629
Truy cập hiện tại 5
Thời tiết
Chung nhan Tin Nhiem Mang